(kontumtv.vn) – Dịp Tết tiêu thụ nhiều rượu, thực phẩm hơn hẳn ngày thường, nguy cơ ngộ độc vì thế cũng tăng theo.

Tự chế biến đồ ăn cũng bị ngộ độc

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kỳ nghỉ Tết càng kéo dài, lượng thực phẩm được tiêu thụ càng nhiều thì số lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cũng có nguy cơ tăng theo.

ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, trung tâm chống độc, BV Bạch Mai
Bà Vũ Thị P.L. (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) vừa bị ngộ độc thực phẩm sau khi tự chế biến, nấu nướng tại nhà, hiện đang phải điều trị trong Trung tâm chống độc của bệnh viện Bạch Mai

Có những trường hợp ngộ độc do sử dụng thức ăn để trong tủ lạnh bị nhiễm khuẩn, có nấm mốc bởi dùng đi dùng lại nhiều lần, lại bảo quản không đúng cách (kể cả bảo quản trong tủ lạnh).

Bởi tủ lạnh không phải tủ sát khuẩn nên thức ăn vẫn có thể bị ôi thiu bình thường.

Ông Duệ khuyến cáo người dân không nên nấu nhiều đồ ăn dẫn đến thừa mứa, tích trữ lại mà không được bảo quản đúng quy cách gây ngộ độc cho lần sử dụng sau.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì khuyến cáo mạnh mẽ người dân tuyệt đối không ăn tiết canh.

Sau dịp Tết dương lịch 2014 vài ngày, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 ca viêm màng não mủ nghi do mắc liên cầu khuẩn từ lợn sau 4 ngày ăn tiết canh. Cả 2 nhập viện trong tình trạng bị hôn mê, sốt cao, vật vã.

Trước đó, dịp Tết 2013, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận dồn dập nhiều ca cấp cứu do mắc liên cầu khuẩn vì ăn tiết canh lợn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục An toàn thực phẩm tổ chức thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, kiểm soát việc kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố và thực hiện an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Lo ngộ độc rượu

Theo PGS.TS Phạm Duệ, dịp cận Tết và Tết nguyên đán năm 2013, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhẹ nhưng số vụ ngộ độc rượu lại tăng.

Các năm trước đây, trung bình Trung tâm chống độc tiếp nhận khoảng 3-5 bệnh nhân ngộ độc rượu trong dịp Tết song trong dịp Tết Nguyên đán 2013 có hơn 10 ca ngộ độc rượu trong vòng 1 tuần nghỉ Tết.

ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, trung tâm chống độc, BV Bạch Mai
Bệnh nhân điều trị trong Trung tâm chống độc BV Bạch Mai

Ngộ độc rượu diễn ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao trong dịp lễ Tết, đặc biệt chủ yếu ngộ độc do uống quá chén chứ không vì chất lượng rượu không đảm bảo (bởi tâm lý người dân là luôn có chọn lựa kỹ càng các loại đồ ăn, đồ uống dùng trong dịp Tết).

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe trong dịp Tết, bác sỹ Duệ khuyến cáo người dân không nên dùng nhiều rượu và thực hiện 3 không khi uống rượu: Không quá chén, không ép uống và không thi đấu, tránh những tai nạn đáng tiếc do rượu.

Việc ăn uống dịp Tết thế nào cho khoa học, hợp lý, đảm bảo vẫn vui nhưng không phát sinh bệnh tật, đặc biệt là những bệnh mãn tính như tiểu đường, gout là một vấn đề lớn.

Trên thực tế, đã có những bệnh nhân tiểu đường ăn Tết chưa xong đã phải vào viện khám, điều trị gấp bởi đường huyết tăng cao, các khớp đau nhức, thậm chí có bệnh nhân mùng 1 Tết đã phải cần đến sự trợ giúp của bác sỹ vì không kiểm soát được chế độ ăn uống.

C.Quyên/vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *