(kontumtv.vn) – Với chủ đề “Siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành”, tỉnh Gia Lai đã tiếp tục đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn trước mắt, làm thế nào để Gia Lai có thể hoàn thành mục tiêu đó?

Trung tâm Chế biến rau quả, thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đặt tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đây là một trong rất nhiều cơ sở nông nghiệp nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh. Trong bối cảnh các loại cây trồng chủ lực truyền thống như cao su, cà phê, hồ tiêu đang gặp khó khăn, hiện Gia Lai đang khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây ăn quả gắn với chuỗi giá trị, quy mô lớn theo qui trình hiện đại, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án DOVECO Gia Lai nói: “Gia Lai là một tỉnh có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi để phát triển các loại cây trồng, phục vụ cho nhà máy chế biến của DOVECO tại Gia Lai. Đến thời điểm này, chúng tôi đã triển khai được gần 3.000 ha các loại cây trồng. Về nguyên liệu, chúng tôi đã ký hợp đồng với các tổ hợp tác, các hợp tác xã đại diện cho người nông dân”.

GIA LAI DE RA MUC TIEU TANG TRUONG KINH TE TREN

Sở dĩ có những chuyển đổi cơ cấu cây trồng đó là do chiến lược tăng trưởng kinh tế của Gia Lai đang định hướng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, tiếp đến là công nghiệp năng lượng tái tạo.

Riêng với năng lượng tái tạo, hiện tỉnh đã có 1 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2019. Về dự án điện gió cũng đã có 1 dự án được cấp giấy phép đầu tư với công suất 49 MW và 7 nhà đầu tư đang nghiên cứu với công suất khoảng 1.000 MW. Nếu tất cả các dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo ra vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên đáng kể. Ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Với điện năng lượng mặt trời, hiệu quả kinh tế chung của tỉnh, của huyện, sản xuất hàng năm thu ngân sách, bảo đảm cân đối chi phát triển và chi thường xuyên của huyện. Đối với người dân thì có thuận lợi là khi có doanh nghiệp vào đầu tư thì người ta hỗ trợ phát triển về mặt xã hội, hỗ trợ người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giúp người dân về điều kiện đời sống”.

Không chỉ vậy, tỉnh Gia Lai còn xác định sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, từ chú trọng nông nghiệp sang phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ, tạo ra nền kinh tế đa dạng, tăng trưởng bền vững, với những số liệu, mục tiêu cụ thể. Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai nói: “Năm 2019, tỉnh Gia Lai vẫn đưa ra 20 chỉ tiêu cơ bản, phấn đấu năm nay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn trên 8%. Tập trung thu ngân sách, phấn đấu năm 2019 tiệm cận thu ngân sách khoảng 5.000 tỷ, tổng đầu tư toàn xã hội trên 26.000 tỷ”.

Để hoàn thành được những nhiệm vụ này, tỉnh Gia Lai còn đề ra một số nhóm giải pháp căn cơ về quản lý nhà nước, như: tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ cương, nâng cao vai trò của người đứng đầu; phát triển kinh tế trên cơ sở gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đất.

 Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *