(kontumtv.vn) – Trong vòng 3 tháng nay, bệnh sởi đã bắt đầu gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 1 ca mắc sởi thì từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 460 ca nghi sởi, trong đó có 126 ca dương tính với sởi được xác định tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc sởi ngày càng tăng trong khi kế hoạch tiêm phòng vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thể triển khai vì chưa có nguồn cung ứng vắc xin.

Tại Bệnh viện Nhi Gia Lai, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 390 ca nhập viện với các triệu chứng lâm sàng của bệnh sởi, có những ca biến chứng viêm phổi và viêm phổi nặng. Bệnh bắt đầu gia tăng nhanh từ tháng 3 đến tháng 5, có đợt lên tới gần 90 ca trong 1 ngày. Các địa phương có số trẻ mắc sởi cao là Chư Prông , Ia Grai, thành phố Pleiku. Đáng chú ý là đa số bệnh nhân đều không tiêm phòng vắc xin sởi hoặc có tiêm nhưng không đầy đủ. Bác sĩ Rơ Châm Nhên, Khoa Nội tổng hợp – Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi Gia Lai nói: “Sởi có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày, triệu chứng ban đầu sốt cao, ho, sổ, mũi, da nổi mẩn đỏ. Nếu không có biến chứng thường khỏi, nếu có biến chứng thường điều trị lâu hơn. Phòng bệnh sởi chủ yếu là tiêm vắc xin phòng bệnh chủ động nằm trong chương trình quốc, gia. Đa số là bệnh nhân là chưa tiêm phòng, ở vùng sâu vùng xa, đồng bào chưa đưa con đi tiêm phòng, chưa nhận thức được tầm quan trọng của vắc xin”.

Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang gia tăng
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang gia tăng

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi luôn trong tình trạng quá tải. Khó khăn hiện nay là nhiều bệnh nhi dù mắc sởi ở mức độ nhẹ, có thể điều trị tại tuyến y tế cơ sở nhưng cha mẹ vì quá lo lắng nên ồ ạt đưa trẻ nhập viện tuyến tỉnh, gây quá tải và dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi trong bệnh viện. Bác sĩ Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: “Để tránh lây lan và lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bệnh viện đã tổ chức lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên môn về bệnh sởi để nắm bắt công việc trong công tác điều trị cũng như công tác dự phòng; chuẩn bị máy móc, trang thiết bị, máy thở phòng khi có bệnh nhân nặng; đảm bảo dung dịch sát trùng, thuốc đầy đủ, chuẩn bị thêm một số phòng để nếu dịch sởi có lây lan cũng sẵn sàng có phòng cách ly cho bệnh nhân”.

  Thời điểm này bệnh sởi đang gia tăng, tuy nhiên hiện vẫn còn 8 huyện gồm: Kông Chro, Đak Đoa, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh, Phú Thiện và thành phố Pleiku chưa triển khai chương trình tiêm vắc xin sởi  – rubella cho trẻ từ 1 -5 tuổi. Bác sỹ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai nói: “Không riêng gì Gia Lai mà tình hình dịch sởi gia tăng trên toàn quốc. Chương trình tiêm chủng quốc gia cuối năm 2018 đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng không đáp ứng kịp. Nguồn đáp ứng vắc xin không có nên dịch sởi có bùng phát trên địa bàn. Đối với tỉnh Gia Lai, tháng 6 này, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi ở địa bàn 8 huyện còn lại”.

Hiện bệnh sởi đang gia tăng nên có nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh. Đáng chú ý là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp nên dịch sởi dễ bùng phát. Thời tiết mùa Xuân – Hè cũng là điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi lây truyền do đó người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 1 ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi – rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trẻ từ 1-5 tuổi tiêm bổ sung trong các đợt chiến dịch.

                                                                   Kim ChâuDuy Linh

Đài PT-TH Gia Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *