(kontumtv.vn) – Sâm Ngọc Linh là một trong những loài dược liệu rất quý hiếm và tốt trên thế giới. Sâm Ngọc Linh chứa hàm lượng cao chất saponin giúp nâng cao thể trạng con người, tăng sức đề kháng; chống trầm cảm và stress; giúp người bệnh ăn ngon, ngủ ngon, lên cân, tăng thị lực, trí lực, tăng cường sinh lý, giảm lipid máu có hại và giúp ổn định huyết áp.

Từ xa xưa, sâm Ngọc Linh được đồng bào dân tộc Sê Đăng gọi là cây thuốc giấu, thường dùng trong lúc ốm đau và bồi bổ sức khỏe. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cây thuốc giấu được các chiến sỹ cách mạng sử dụng khi bị bệnh.

Đến năm 1984, Đảng và Nhà nước ban hành quyết định quy hoạch vùng sâm thành vùng cấm quốc gia nhằm bảo vệ và phát triển cây thuốc quý hiếm này. Tuy nhiên, do nguồn lợi kinh tế từ sâm Ngọc Linh quá lớn, việc khai thác sâm diễn ra ồ ạt, cây sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thu hoạch sâm Ngọc Linh
Thu hoạch sâm Ngọc Linh

Những năm trở lại đây, Tỉnh ủy Kon Tum đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn nguồn gen và nhân rộng diện tích sâm Ngọc Linh tại các khu vực có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện, từng bước hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập và đời sống của người dân từ cây dược liệu quý hiếm này.

Trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh về cơ chế, chính sách, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn. Đến nay, doanh nghiệp đã phát triển được trên 470 ha sâm Ngọc Linh.

Cây Sâm Ngọc Linh sinh sống tốt ở độ cao từ 1.700 m- 2.200 m so với mặt nước biển. Cây thích nghi với điều kiện rừng nguyên sinh, rừng già với khí hậu lạnh và ẩm ướt gần như quanh năm. Sâm Ngọc Linh là loài không dễ trồng nhưng cũng không khó trồng. Cây sinh trưởng tốt trong môi trường đất tơi xốp, có nhiều chất mùn từ lá cây phân hủy. Để cây sâm Ngọc Linh phát triển ổn định thì việc đầu tư, làm các khung mái che trên luống là rất quan trọng. Ông Nguyễn Đình Hồng, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nói: “Cây sâm không ưa nước, cũng không ưa khô. Khô thì lá nó sần sùi, cong queo, hắc héo. Nước quá thì nó phát sinh rất nhiều bệnh. Thời điểm nào phải mình che, thời điểm nào mình phải tháo nilon ra để cây quang hợp, nó rất khó”.

Ngoài ra, hệ thống vòm mái che còn có nhiều tác dụng quan trọng trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Ông Nguyễn Đình Hồng cho biết: “Mục đích của nhà vòm của chúng tôi là chống mưa đá, cách đây 3- 4 năm, mưa đá xuống mà 3 ngày đá chưa tan hết. Cho nên mình căng cái này thì mưa rớt xuống  nó lăn, rớt xuống rãnh, mưa đá đỡ thiệt hại đến cây sâm. Thứ hai là thời tiết mưa quá thì mình căng, mình che phủ lại để giảm lượng nước xuống luống sâm”.

Ngoài bất lợi của thời tiết, các loài gặm nhấm như sóc, chuột rừng là thiên địch rất nguy hiểm của sâm Ngọc Linh. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, cả vườn sâm dễ mất trắng sau giai đoạn chuột sinh sản, phát triển mạnh.

Hiện nay, việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh được Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tổ chức theo chuỗi quy trình khép kín. Hạt của cây trưởng thành tiếp tục được ươm giống và trồng để từng bước nâng cao diện tích. Anh A Hem (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) nói: “Sâm Ngọc Linh trồng từ 3 năm đến 4 năm là thu được hạt rồi, thu hạt từ tháng 7 đến tháng 9. Hạt chín thì mình phải thu về, rồi bắt đầu mình ươm thôi. Từ tháng 7 bắt đầu gieo. Đến tháng 1, tháng 2 bắt đầu nó nở ra cái thân, cái rễ. Tháng 3, tháng 4 thì thành cây”.

Để sâm Ngọc Linh tích lũy được hàm lượng chất saponin cao, đòi hỏi cây phải đạt độ tuổi từ 10 năm trở lên. Do vậy, việc đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu hàng hóa phổ biến là việc làm mang tính lâu dài, có chiến lược đúng đắn thì mới phát huy được giá trị, hiệu quả và mang lại nguồn lợi kinh tế cao.

Tấn Thành – Thanh Hà

                                                                                            

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *