(kontumtv.vn) – Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I đã tổng hợp ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước ta. Đây là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới. Giá trị cốt lõi của bản Hiến pháp đầu tiên là nền móng cho những bản Hiến pháp sau nay.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Hồ Chủ Tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Hiến pháp. Người viết: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.

Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ 2 thông qua vào ngày 9/11/1946,  gồm 7 chương, 70 điều. Bản Hiến pháp xác định ba nguyên tắc cơ bản, là đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân được pháp luật ghi nhận và cũng lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, phụ nữ được ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện. Thạc sỹ Nguyễn Thọ Hòa, Trưởng Khoa Nhà nước Pháp luật, Trường Chính trị  tỉnh Kon Tum nói: “Có thể nói rằng, Hiến pháp năm 1946 là một bản hiến pháp có giá trị về lịch sử, chính trị và pháp lý rất cao, đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị, nó thể ở nhiều góc độ. Cụ thể, trong Chương 2 nó thể hiện quyền con người, nghĩa vụ công dân, trải dài đến các hiến pháp sau này. Hiến Pháp 1946 là bản Hiến pháp mẫu mực, khúc chiết, rõ ràng, dễ hiểu với mọi người, mẫu mực trên cả phương diện nội dung và hình thức”.

Hiến pháp 1946 ra đời là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam, là bản hiến pháp đầu tiên ở nước ta cũng như ở Đông Nam Á, một nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập. Hiến pháp đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tư tưởng dân chủ, đề cao tính dân tộc của Nhà nước, thể hiện rất sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền tự do, dân chủ đích thực của mọi công dân, không phân biệt giai cấp. Ông Lê Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nói: “Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử của cách mạng Tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp 1946 là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 1946 chú trọng đến quyền bảo vệ cho nhân dân, khẳng định nghị viện nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do công dân Việt Nam  bầu ra, có nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề chung của đất nước, đặt ra pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”.

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến Pháp dân chủ, tiến bộ và không kém bất cứ một bản hiến pháp nào trên thế giới ở thời điểm đó. Dù chưa thực sự toàn diện, song Hiến pháp thể hiện tầm nhìn chiến lược, không những mang giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý, mà còn khẳng định tính nhân văn cao cả, ảnh hưởng đến những bản Hiến pháp sau này. Thạc sỹ Nguyễn Thọ Hòa nói: “Các bản hiến pháp sau này chủ yếu là sửa đổi bổ sung. Các bản hiến pháp mới vẫn chính là bản Hiến pháp 1946, như Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013 được sửa đổi, bổ sung. Nói tóm lại, bản Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp giá trị, trải dài xuyên suốt trong lịch sử. Giá trị lịch sử là một, giá trị chính trị là hai, giá trị pháp lý là ba. Ba giá trị đó trường tồn mãi tới sau này”.

Hiến pháp năm 1946 thể hiện nhiều quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lập hiến. Trải qua 70 năm kể từ ngày Hiến pháp năm 1946 ra đời, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, Quốc hội nước ta đã ban hành các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013 trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm lập hiến và những giá trị chính trị, pháp lý của bản Hiến pháp đầu tiên, tiếp tục hoàn thiện nhà nước do dân và vì dân.

Đức Thắng

                                                                                                  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *