(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, việc chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là mạng lưới y tế từ tỉnh đến tuyến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng quá tải tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh để hiểu rõ hơn về tình trạng quá tải và giải pháp khắc phục hiện nay.

PV: Xin bác sĩ cho biết, tình trạng quá tải của ngành Y tế tỉnh hiện nay như thế nào?

Bác sĩ Đào Duy Khánh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, một số bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh thì quá tải. Có những bệnh viện quá tải trong vòng 5 năm trở lại đây, cụ thể là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Các trung tâm y tế huyện thì có Trung tâm Y tế Đăk Glei, Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô và một số huyện khác. Tình trạng quá tải ví dụ như Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, quy mô phê duyệt là 170 giường, nhưng số thực kê hiện nay đã 220 rồi. Trong 03 năm vừa qua, có những năm họ quá tải đến 130%.

BS Đào Duy Khánh trả lời phỏng vấn của PV
BS Đào Duy Khánh trả lời phỏng vấn của PV

PV: Nguyên nhân vì sao dẫn đến quá tải thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đào Duy Khánh: Có mấy nguyên nhân thế này: Ít nhất trong 03 năm trở lại đây, chất lượng khám chữa bệnh các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện nâng lên, chính vì thế số bệnh nhân đến đông hơn. Thứ hai là sau khi chúng ta thông tuyến về mặt kỹ thuật thì thấy ở huyện họ đi trực tiếp lên trung tâm y tế huyện khám luôn, cho nên thể hiện tính quá tải. Sau đó ở huyện lại chuyển viện lên bệnh viện tuyến tỉnh, cho nên dẫn đến tình trạng quá tải. 3-5 năm trở lại đây, bởi vì chúng ta biết tăng quy mô giường bệnh thì sẽ tăng biên chế và tăng theo kinh phí, giường bệnh, nhưng việc tăng giường bệnh rất là khó khăn vì chúng ta không có kinh phí đảm bảo và biên chế đảm bảo.

PV: Như vậy, quá tải tại các bệnh viện, trung tâm y tế đã ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng chăm sóc, khám và điều trị cho bệnh nhân, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đào Duy Khánh: Số lượng con người tăng vọt lên thì chất lượng khám, điều trị tại các khoa, phòng sẽ không đạt yêu cầu. Điểm thứ hai, khi quá tải tăng lên phải kê thêm giường bệnh. Có những giường bệnh nằm hai người chẳng hạn thì rõ ràng chất lượng không đảm bảo. Ví dụ có những phòng, chúng ta bố trí 4 giường thì chúng ta lại bố trí gấp đôi lên như thế. Có những giường bệnh bố trí ngoài hành lang, dưới chân cầu thang, thì việc khám bệnh hàng ngày cũng đã khó khăn rồi, chăm sóc khó khăn rồi, thì rõ ràng chất lượng ngủ, nghỉ của bệnh nhân để cần thời gian hồi phục thì rất ảnh hưởng.

PV: Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện, trung tâm y tế?

Bác sĩ Đào Duy Khánh: Thứ nhất là chúng ta phải có lộ trình, tăng quy mô giường bệnh. Tôi cho tăng quy mô giường bệnh nhưng chúng tôi không kèm theo biên chế và không kèm theo tăng kinh phí, bởi vì hầu như các bệnh viện đang bước vào vấn đề tự chủ rồi, có những bệnh viện gần tự chủ hoàn toàn thì họ sẽ lấy nguồn thu của họ, họ sẽ hợp đồng con người và họ tự trang trải việc đó. Bước đó tôi cho là hết sức quan trọng. Bước thứ hai, mặc dù khó khăn nhưng chúng ta phải biết tận dụng tối đa nguồn kinh phí tỉnh, Trung ương và các dự án để đầu tư mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh và ưu tiên cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh kèm theo trạm y tế phải làm tốt hơn nữa để giảm bệnh nhân đi lên tuyến huyện và tuyến tỉnh. Việc đào tạo nguồn nhân lực bổ sung đội ngũ cho thật tốt để làm sao khám chữa bệnh, điều trị kịp thời, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân thì việc quá tải sẽ cơ bản được đáp ứng.

PV: Vâng, cám ơn bác sĩ vì cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *