(kontumtv.vn) – Nhiều công trình nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum được đầu tư hàng trăm triệu đồng, có công trình đầu tư hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, song không phát huy được hiệu quả cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Điều này đã gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách của Nhà nước. Nguyên nhân vì sao dẫn đến thực trạng này và ngành chức năng có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới? Vấn đề này được làm rõ trong phần trao đổi sau đây giữa phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum với ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh.

PV: Thưa ông, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 360 công trình nước tập trung nông thôn. Tuy nhiên chỉ có hơn 34% công trình hoạt động hiệu quả, gần 27% công trình hoạt động bình thường, còn lại là các công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Vậy ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện trạng này?

Ông Đặng Trần Huân trả lời phỏng vấn của PV
Ông Đặng Trần Huân trả lời phỏng vấn của PV

Ông Đặng Trần Huân: Ở đây nó có 2 nhóm nguyên nhân, về nguyên nhân khách quan thì các công trình cấp nước tập trung từ rất nhiều các công trình, dự án và qua các chủ đầu tư khác nhau. Địa hình của tỉnh ta chia cắt và mật độ dân số trên diện tích thì rất thưa, do đó sức đầu tư về công trình cao, dẫn đến chi phí khấu hao cũng như chi phí sửa chữa cao và quản lý vận hành phức tạp. Cái nữa là nguồn lực đầu tư cho công tác duy tu sửa chữa cũng như công tác vận hành của công trình cấp nước tập trung đối với tỉnh cũng rất là hạn hẹp, công trình cấp nước tập trung của tỉnh chiếm tới 98% công trình nước tự chảy và nguồn nước lấy từ các khe suối. Trong thời gian qua, với tình hình biến đổi khí hậu và thảm phủ thực vật cũng bị mất, thành ra vấn đề suy giảm nguồn nước đầu mối cạn kiệt cũng không đảm bảo về cấp nước cho các khu vực nông thôn. Về phẩn chủ quan là trong quá trình khảo sát đầu tư thì khảo sát chưa kỹ cũng như việc tham vấn cộng đồng của người hưởng lợi chưa sát và chưa có sự tham gia của cộng đồng. Về năng lực kỹ thuật chuyên môn của đội ngũ quản lý, vận hành của các đơn vị cấp nước tập trung chỉ mới được đào tạo cơ bản và một phần chưa được đào tạo. Các công trình cấp nước tập trung chưa được đồng bộ, hoàn chỉnh, chưa có kinh phí xây dựng mạng lưới đến từng hộ gia đình, do đó việc triển khai thu tiền nước cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo.

PV: Thưa ông, trước thực trạng này đơn vị có tham mưu, đề xuất gì để  nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý vận hành các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh?

Ông Đặng Trần Huân: Đơn vị đã tham mưu cho Sở NN&PTNT cũng như UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và đơn vị trong quản lý, vận hành các công trình, cụ thể có một số nội dung chính như sau: Tiếp tục đánh giá cụ thể các công trình cấp nước tập trung, từ đó xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để nâng cấp, tu sửa cũng như xây dựng mới. Tiếp nữa là tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá đội ngũ công nhân quản lý, vận hành của công trình cấp nước tập trung để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao tay nghề cho công nhân quản lý, vận hành. Đơn vị cũng đang phối hợp với các ngành xây dựng phương pháp xác định giá thành nước sạch nông thôn để từ đó các đơn vị quản lý các công trình cấp nước nông thôn có cơ sở xây dựng giá nước để có cơ sở các cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ cấp bù giá nước để hỗ trợ trong vấn đề quản lý, vận hành cũng như duy tu sửa chữa công trình. Đặc biệt là tiếp tục truyền thông vận động cộng đồng dân cư và người hưởng lợi chuyển dần từ hình thức phục vụ sang dịch vụ, tức là có chi trả tiền sử dụng nước từ các công trình cấp nước sạch để góp phần với Nhà nước đảm bảo các chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, từ đó công trình mới có hiệu quả”.

PV: Theo ông, các huyện, thành phố cần phải làm gì để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG về Nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2016-2020?

Ông Đặng Trần Huân: Trong năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định 42 về giao các công trình cấp nước tập trung nông thôn, cũng từ đây đề nghị các huyện căn cứ trên quyết định này này giao công trình cụ thể  cho các chủ thể quản lý một cách thực tế và gắn trách nhiệm  chủ thể quản lý và cơ quan quản lý với kết quả hoạt động quản lý, vận hành. Thứ hai là dành một phần nguồn lực để hỗ trợ cho công tác duy tu, bảo dưỡng cũng như công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối với cộng đồng dân cư nông thôn trong vấn đề sử dụng nước cũng như quản, lý bảo vệ công trình.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!  

Thanh Tùng – Công Luận

                                                                            

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *