(kontumtv.vn) – Được đánh giá là một tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh, tuy nhiên, đến nay Kon Tum vẫn chưa phát huy hết năng lực sẵn có trong phát triển kinh tế – xã hội. Vậy, các ngành chức năng của tỉnh đã có những giải pháp như thế nào để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum về vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia trao đổi cùng phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum. Thưa ông, trong những năm qua công tác thu hút đầu tư của tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả gì?
Ông Nguyễn Đình Bắc: Cho đến thời điểm hiện nay, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 200 dự án. Trong đó, năm 2016 có khoảng 30 dự án. Chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến. Đến nay, rất nhiều dự án bước vào giai đoạn khởi công thực hiện, trong đó rất nhiều dự án đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số dự án còn chậm liên quan đến năng lực của các chủ đầu tư, thủ tục chuyển loại đất.
PV: Với chức năng là cơ quan tham mưu của tỉnh trong lĩnh vực đầu tư, ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm tra, giám sát đầu tư và chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Đình Bắc: Về công tác đánh giá, giám sát, hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành một năm một lần thông qua việc báo cáo của các chủ đầu tư sau khi cấp chứng nhận và kết hợp đi thực tế. Mục đích của việc đánh giá, giám sát là tìm ra những vướng mắc, khó khăn, tồn tại của nhà đầu tư để xử lý. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, ngoài những phản ánh trực tiếp của doanh nghiệp thông qua đối thoại, thông qua việc giám sát, đánh giá này chúng tôi chuyển những vướng mắc, khó khăn để tổ này giải quyết kịp thời.
PV: Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, tỉnh Kon Tum đã thể hiện sự nỗ lực như thế nào trong việc đồng hành vượt khó cùng các đơn vị doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Bắc: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được tiến hành, tuy nhiên nổi lên vấn đề mấu chốt nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp đó là thông qua các đối thoại xử lý các vấn đề vướng mắc, khó khăn. Giảm bớt thủ tục, trong đó đặc biệt lưu ý tới đơn giản thủ tục hành chính. Trong thời gian qua, chúng tôi giảm bớt rất nhiều thủ tục kể cả về thời gian. Giảm thời gian tới 30% so với luật định. Riêng cấp phép đầu tư thì 35 ngày chỉ còn 15 ngày thôi. Trong năm 2017, điểm nhấn quan trọng nhất là đối thoại. Đặc biệt, UBND tỉnh mở nhiều chuyên đề như Cà phê khởi nghiệp, Cà phê doanh nhân để tạo quan hệ đồng hành đối với doanh nghiệp, thái độ tiếp xúc theo một cách đổi mới khác.
PV: Thưa ông, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Kon Tum trong năm 2016 và các tháng đầu năm 2017 không đạt như mong đợi. Vậy, làm như thế nào để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh?
Ông Nguyễn Đình Bắc: Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Kon Tum 56/63 tỉnh, tức là đứng vào hạng thấp so với cả nước. Theo chúng tôi thì chỉ số này không hoàn toàn phản ánh tất cả mọi vấn đề. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là chỉ số để đánh gía lại chính mình để có những điều chỉnh trong việc thực hiện các thủ tục. Riêng về vấn đề này, tỉnh có một đề án để cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có 10 chỉ số cần phải cải thiện liên quan, ảnh hưởng đến vấn đề này. Muốn cải thiện chỉ số này theo chúng tôi phải đồng bộ, vì vấn đề đầu tư liên quan đến rất nhiều ngành nghề, đơn vị. Tiếp tục có sự cải thiện đó là đối thoai, đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nâng cao mức độ tư vấn. Và chính doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực của mình trong việc hiểu biết về đầu tư và luật pháp.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!
Hà My – Thanh Hà