(kontumtv.vn) – Trong năm 2016, tỉnhKon Tum ghi nhận 656 ca mắc thủy đậu tại 10 huyện, thành phố, không có trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 1/2017, toàn tỉnh đã ghi nhận 17 ca bệnh tại 03 huyện Kon Rẫy, Đăk Hà và Đăk Glei. Để hiểu rõ hơn về các giải pháp ngành Y tế đã triển khai nhằm hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng và cách phòng bệnh thủy đậu, phóng viên Đài PT – TH Kon Tum có cuộc trao đổi với Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

PV: Thưa Bác sỹ, hiện nay bệnh thủy đậu đã xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, vậy ngành có giải pháp gì để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng?

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân: Hiện nay bệnh thủy đậu đang xảy ra tại một số đơn vị trên địa bàn, trước tình hình đó Sở Y tế tỉnh đã có các biện pháp về phòng chống bệnh thủy đậu như tổ chức giám sát ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Thứ hai là điều trị và cách ly, đối với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu đến điều trị ở cơ sở y tế thì phải được cách ly, ở các hộ gia đình thì trẻ cũng được cách ly để phòng chống lây lan ra cộng đồng. Ba là thực hiện xử lý môi trường, khử khuẩn bằng Cloramin B ở trường học và các hộ gia đình. Thứ tư là tuyên truyền cho người dân về cách nhận biết bệnh thủy đậu và các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu nhằm ngăn ngừa lây lan ra cộng động. Thứ năm là chỉ đạo giám sát chặt chẽ các ca bệnh ở cộng đồng nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh sớm, cách ly để sớm điều trị kịp thời, phòng tránh các trường biến chứng có thể xảy ra, nặng có thể tử vong.

PV: Thưa Bác sỹ, bệnh thủy đậu có biểu hiện lâm sàng như thế nào và tác động đến sức khỏe người bệnh ra sao?

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân: Bệnh thủy đậu dân gian  còn hay gọi là bệnh trái rạ, là bệnh do vi rut, lây lan rất nhanh và bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh hay thường gặp ở trẻ em và bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, hay gặp nhất là trong tháng giêng và tháng 6. Bệnh xuất hiện từ 10 đến 14 ngày và có biểu hiện lâm sàng là nổi mụn nước, những mụn nước này xuất hiện ở đầu, mặt, thân và chi, lây lan rất nhanh, trong vòng 12 đến 24 giờ xuất hiện mụn nước. Mụn nước này có kích thước từ 1 đến 3 mm và bên trong có chứa những dịch, còn trường hợp bị nhiễm khuẩn thì dịch ở bên trong mụn nước có thể bị đục. Ảnh hưởng đến sức khỏe của nó là có những biến chứng nhẹ, chỉ  bị nhiễm trùng ngoài da; biến chứng nặng hơn có thể gây nhiễm trùng máu, viêm phổi, viên não và một biến chứng quan trọng nữa là đối với phụ nữ có thai nếu trong 3 tháng đầu có thể gây xẩy thai hoặc khi sinh ra trẻ có thể bị thủy đậu bẩm sinh và có những biến chứng chẳng hạn là đầu nhỏ hoặc co quắp tay chân, hoặc bại não hay sẹo thủy đậu.

PV: Bệnh thủy đậu có thời gian lan truyền bệnh cho người khác rất ngắn, khả năng bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra? Vậy để hạn chế mắc bệnh thủy đậu người dân cần làm gì?

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân: Bệnh thủy đậu có thời gian lây truyền rất nhanh, vì vậy người dân phải biết được các biện pháp để phòng tránh, thứ nhất là hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người, nhằm để phòng chống lây lan bệnh thủy đậu ra cộng đồng. Thứ hai hạn chế mắc bệnh thủy đậu bằng cách, những trường hợp khi mắc bệnh thủy đậu ở trường học hoặc ở các hộ gia đình thì nên nghỉ học từ 7 đến 10 ngày để cách ly. Thứ ba là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh các vật dụng trong gia đình, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Thứ tư thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lớp học bằng các dung dịch sát khuẩn. Quan trọng nữa là tự phòng bệnh bằng cách chủ động đến Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm phòng vắc xin thủy đậu lúc trẻ 12 tháng tuổi.

PV: Vâng, cảm ơn Bác sỹ về cuộc trao đổi này.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *