(kontumtv.vn) – Về tình trạng lao động ở Tu Mơ Rông đi làm việc ở nước ngoài nhưng khi muốn về nước, Công ty Colecto đã không giải quyết  theo hợp đồng đã ký kết, tình trạng các công ty không có giấy phép vẫn tổ chức tuyển dụng lao động tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum có giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào và đơn vị sẽ làm gì ngăn chặn những vi phạm của các công ty xuất khẩu lao động? Phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã phỏng vấn ông Trần Văn Thiện, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về vấn đề này.

PV: Thưa ông, thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có một trường hợp lao động do Công ty Colecto tuyển dụng và đưa đi làm việc ở Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên khi qua Ả Rập Xê Út làm việc, điều kiện làm việc không phù hợp nên người lao động muốn quay trở về và gia đình đã thực hiện theo đúng với hợp đồng, thế nhưng sau gần một tháng Công ty vẫn không giải quyết cho người lao động trở về Việt Nam. Như vậy trường hợp này Sở đã nắm được thông tin và có hướng giải quyết hay chưa?

Ông Trần Văn Thiện trả lời phỏng vấn của PV
Ông Trần Văn Thiện trả lời phỏng vấn của PV

Ông Trần Văn Thiện: Trường hợp này Sở vừa nắm được thông tin, chúng tôi đã cử người xuống Công ty xác minh và lấy xác nhận của chính quyền địa phương, của hộ gia đình, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị trả lại kinh phí và làm rõ nguyên nhân cho gia đình và báo cho địa phương. Nếu trường hợp Công ty không chấp hành chúng tôi sẽ đình chỉ và đề nghị Bộ LĐ-TB&XH can thiệp, xử lý hành chính.

PV: Thưa ông, hiện nay có một số trường hợp công ty tuyển dụng lao động ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cũng như địa bàn huyện Kon Plông mà không báo qua chính quyền địa phương, đối với những trường hợp này thì có vi phạm hay không và nếu có vi phạm thì xử lý như thế nào?

Ông Trần Văn Thiện: Vừa rồi sau khi chúng tôi cho phép 18 doanh nghiệp XKLĐ vào, chúng tôi có cam kết và 18 công ty này đều có hứa với tỉnh, với huyện là thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động theo luật và cơ bản thì người ta cũng làm rất tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có rất nhiều đơn vị vi phạm và mới đây nhất thì chúng tôi theo dõi trên địa bàn 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông có một số đơn vị tỉnh không giới thiệu vào mà họ lén lút lôi kéo lao động đi xuất khẩu lao động, trong khi đó chính quyền địa phương không ai biết. Sau đó chúng tôi đã chấn chỉnh và mời lên làm việc, có văn bản cam kết nhưng tiếp tục vi phạm nữa, chúng tôi cũng đã mạnh dạn rút giấy phép của 6 đơn vị, hiện còn 12 đơn vị. 12 đơn vị tiếp tục có 2 đơn vị nữa đó là công ty XKLĐ Colecto Thanh Hóa và công ty XKLĐ Thiên Nhân chi nhánh Hà Nội. Hiện nay chúng tôi xã minh lần nữa, chắc chắn trong đầu tháng 11 chúng tôi có biện pháp là rút giấy phép.

 PV: Thưa ông, trong thời gian tới Sở sẽ triển khai những giải pháp gì để tăng cường hơn nữa công tác quản lý xuất khẩu lao động trên địa bàn?

Ông Trần Văn Thiện: Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm chấn chỉnh và điều trước tiên chúng tôi đề nghị chính quyền cấp huyện, cấp xã hãy vào cuộc và làm tốt công tác tuyên truyền, tiếp tục tuyên truyền để cho người dân nhận thức được XKLĐ là làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần vào việc giảm nghèo ở địa phương. Đồng thời cũng phải tăng cường sự quản lý nhà nước với lao động, với những người tuyển dụng lao động, không làm ảnh hưởng đến chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác XKLĐ.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *