(kontumtv.vn) – Chiều 7/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn…

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Đến nay, Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức, như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân. Nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)…

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Luật Đất đai rất quan trọng, có thể coi là luật gốc, tác động đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công chuẩn bị, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều văn bản tham gia và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Việc nông dân tích cực tham gia chuyển đổi, tập trung đất đai, hợp tác, liên kết trong sản xuất đã góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao từng bước phát triển, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, làm thay đổi và tạo ra phương thức sản xuất mới (nông nghiệp chính xác, thông minh…

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong những năm qua cũng cho thấy một bộ phận nông dân bị tác động ảnh hưởng rất lớn và thường chịu thiệt thòi do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng làm phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời, một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất, không còn sinh kế trong khi các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội; đặc biệt là vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai; cho rằng, việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, của mỗi người dân. Người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện; tháo gỡ bằng được những khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước, bịt các lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Việc sửa đổi Luật được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Các đơn vị có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý chỉ Luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ; những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án Luật. Nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai Luật; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Nhấn mạnh Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, có mối quan hệ mật thiết với các luật khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật cần bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, giải quyết vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khác với pháp luật về đất đai trong quản lý, sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt trong các trường hợp: Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận vào 4 nội dung trọng tâm: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Đỗ Bình (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *