(kontumtv.vn) – Khiếu kiện phức tạp, gay gắt như những “đốm lửa nhỏ” âm ỷ – sẽ là tác nhân gây mất ổn định tình hình đất nước.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt, kiểm tra các địa phương giải quyết tồn tại khiếu nại tố cáo chậm trễ và đoàn công tác sẽ trực tiếp chủ trì kết luận một số vụ việc phức tạp kéo dài.
Việc giải quyết khiếu kiện phức tạp kéo dài đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng số vụ việc giảm không đáng kể so với trước đây, mà nguyên nhân đầu tiên là thiếu trách nhiệm cá nhân của những người có trách nhiệm.
Có lẽ hiếm có đất nước nào trên thế giới mà trong bộ máy thành lập Cơ quan tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương; hiếm nước nào có “Luật Tiếp công dân” quy định người đứng đầu bộ, ngành, địa phương các cấp phải định kỳ tiếp dân, phải đối thoại với người khiếu kiện như ở Việt Nam. Cũng hiếm có nước nào quy định rõ quyền giám sát của các đại biểu dân cử, của các đoàn thể trong khiếu kiện như ở nước ta.
Vậy vì sao trong Báo cáo của Thanh tra Chính phủ chưa khi nào thiếu vắng nội dung: “Tình hình khiếu kiện đông người vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí có xu hướng gay gắt, phức tạp, kéo dài?”.
Có những vụ việc kéo dài nhiều chục năm. Không ít vụ việc người dân bức xúc, lăng mạ, hành hung cán bộ thi hành nhiệm vụ hoặc có hành vi bất mãn, cực đoan ngay tại trụ sở công quyền. Nhiều hình ảnh trong số đó được ghi lại, đưa lên mạng xã hội và được chia sẻ, bình luận ở mức “chóng mặt” khiến vụ việc đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.
Ngoài thông tin “có một làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội”, thời gian gần đây, nhiều đoàn khiếu kiện đông người từ Quảng Ninh, Lạng Sơn kéo về; từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên kéo lên; từ miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí một số tỉnh miền Tây Nam Bộ xa xôi kéo ra các cơ quan Trung ương. Trong số đó, hơn 70% vụ việc liên quan tới đất đai, nhà cửa.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là “vòng luẩn quẩn”: Người có trách nhiệm quan liêu, đùn đẩy, sợ đối thoại, sợ khuyết điểm … khiến hàng trăm vụ việc kéo dài chưa hẹn ngày kết thúc. Đặc biệt, ở không ít địa phương đã xuất hiện “tâm lý nhiệm kỳ”. Người đương chức có tâm lý “để lại nhiệm kỳ sau”. Người kế nhiệm có tâm lý “đây là tồn tại của nhiệm kỳ trước” nên cách giải quyết thường qua loa, chiếu lệ, nể nang người tiền nhiệm.Kết cục, nhiều vụ việc khiếu kiện “vắt” từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác vẫn chưa giải quyết xong.
Việc đối thoại với dân, tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn quá ít, hoặc tiếp dân hời hợt, hứa cho xong mà không sâu sát, quyết liệt, dẫn đến quan liêu. Thậm chí xuất hiện tư tưởng “đối đầu” với dân, luôn coi người khiếu kiện là những đối tượng bị lôi kéo, kích động. Đó là chưa kể thái độ coi thường, lời nói có tính chất thách thức dân khiếu kiện trong quá trình tiếp xúc.
Không chỉ một bộ phận lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước đùn đẩy hoặc thiếu hiểu biết pháp luật, mà vai trò của đại biểu dân cử và của các đoàn thể cũng hết sức mờ nhạt. Nhiều người chỉ đóng vai trò “ký phiếu chuyển” khi nhận được đơn khiếu kiện của dân mà không dám tự mình đứng ra tiếp xúc, bảo vệ lợi ích chính đáng, phân tích rõ đúng sai cho dân đồng cảm, sẻ chia.
Những cán bộ có thẩm quyền nếu không đặt mình vào vị trí người khiếu kiện sẽ không thấu hiểu nỗi bức xúc của họ khi quyền lợi chính đáng bị xâm hại.
Nếu không kỷ luật nghiêm những lãnh đạo địa phương để khiếu kiện kéo dài, gay gắt mà chỉ phê bình chung chung, thì việc Chính phủ thành lập các đoàn công tác đặc biệt sẽ phải tiếp tục diễn ra để giải quyết “phần ngọn” về khiếu nại tố cáo.
Bài học kinh nghiệm về thành công trong xử lý nhiều vụ khiếu kiện gay gắt, thậm chí trở thành “điểm nóng” là do người đứng đầu sát sao, am hiểu luật pháp; dám công khai đối thoại, lắng nghe, dám nhận khuyết điểm để giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng của người dân.
Khiếu kiện phức tạp, gay gắt như những “đốm lửa nhỏ” âm ỷ – sẽ là tác nhân gây mất ổn định tình hình đất nước – nếu các địa phương không chủ động giải quyết “thấu tình, đạt lý” ngay từ cơ sở./.