(kontumtv.vn) – Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, để lại nhiều hậu quả không tốt đối với xã hội và mỗi gia đình. Nhằm góp phần ngăn ngừa tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025. Tại tỉnh Kon Tum, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, qua đó góp phần giảm dần tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Buổi tuyên truyền của Ban Dân tộc tỉnh về can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại thôn Đăk Lai (Đăk Nên, Kon Plông) đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên nói: “Vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xã đã thành lập tổ, phối hợp với mặt trận, đoàn thể, các đơn vị iên quan tuyên truyền cho bà con. Đặc biệt là sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, sâu sát đến các thôn của Ban Dân tộc tỉnh. Năm 2015 có 20 cặp tảo hôn tại xã Đăk Nên, đến thời điểm hiện tại đã giảm còn 8 cặp, nhưng lộ trình đến năm 2020 sẽ không còn cặp nào”.

Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, số lượng các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh giảm dần qua từng năm. Tuy vậy, trong năm 2017, toàn tỉnh vẫn còn xảy ra 351 trường hợp tảo hôn, trong đó có 312 trường hợp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở thực hiện của đề án, các cấp, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho lứa tuổi thanh thiếu niên về nguy cơ, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trong năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai duy trì, đánh giá mô hình điểm tại 2 xã Đăk Nên và Ngọc Tem của huyện Kon Plông. Theo đó sẽ xây dựng các pa nô, áp phích, khẩu hiệu, phát hàng ngàn tờ rơi cho người dân trên địa bàn; lồng ghép tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với hoạt động giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản, các biện pháp tránh thai. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiến hành cung cấp thông tin, truyền thông, vận động nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến các đối tượng có nguy cơ cao và các xã có tỉ lệ tảo hôn cao trên địa bàn toàn tỉnh.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *