(kontumtv.vn) – Là địa bàn có độ che phủ rừng cao, diện tích rộng, tài nguyên rừng lớn, dân cư thưa, huyện Kon Plông (Kon Tum) gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đội ngũ cán bộ kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm tại các trạm, các chốt chặn làm việc cả ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật là những hoạt động được Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông áp dụng tại các điểm nóng trên địa bàn. Giải pháp  tuy không mới, nhưng nhờ triển khai quyết liệt, đã phần nào ngăn chặn được các vụ vi phạm xảy ra. Ông Nông Văn Cần, kiểm lâm địa bàn xã Măng Cành, huyện Kon Plông nói: “Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, bà con trên địa bàn nâng cao ý thức trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng, các vụ vi phạm đã xử lý có tính răn đe. Người ta nhìn vào các vụ xử lý, người ta có thái độ, hành vi tích cực hơn”.

Phối hợp các lực lượng trong công tác QLBVR
Phối hợp các lực lượng trong công tác QLBVR

Nâng cao trách nhiệm của chủ rừng và người nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng là giải pháp được huyện Kon Plông chú trọng trong năm 2017. Đến nay, các chủ rừng, UBND các xã trên địa bàn đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hơn 1.200 hộ dân và trên 50 cộng đồng, với diện tích gần 46.000 ha. Qua đánh giá của địa phương, tại những khu vực có rừng được giao khoán thì công tác quản lý, bảo vệ rừng có chuyển biến. Làng Tu Rằng, xã Măng Cành từng là điểm nóng về phát rừng làm nương rẫy trái phép. Sau khi cộng đồng làng được giao khoán quản lý bảo vệ gần 300 ha rừng tự nhiên, tình trạng vi phạm về quản lý bảo vệ rừng đã chấm dứt. Ông A Diêu, người dân thôn Tu Rằng nói: “Công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung là tốt, phá rừng hạn chế so với trước đây. Dân bảo vệ rừng được đi lấy nấm linh chi, cốt toái bổ, thu nhập của bà con cũng đỡ hơn so với trước đây”.

Nỗ lực của huyện Kon Plông trong công tác quản lý bảo vệ rừng là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn còn rất lớn. Năm 2016 toàn huyện có 59 vụ vi phạm, với khối lượng trên 163 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, hơn 5 ha rừng tự nhiên, rừng sản xuất bị thiệt hại. Trong 7 tháng đầu năm 2017, có thêm 5 ha rừng tự nhiên, rừng sản xuất bị xâm hại, cơ quan chức năng huyện đã xử lý 63 vụ vi phạm, phạt tiền hơn 994 triệu đồng, tịch thu trên 74 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Thiếu lực lượng và công tác phối hợp chưa hiệu quả vẫn là bài toán khó tại Kon Plông. Ông Võ Minh Văn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho biết: “Phát rừng làm nương rẫy hay lợi dụng vào ban đêm hay thời điểm kiểm lâm có công việc đột xuất,  phá rừng để lấy đất sản xuất, rồi khai thác gỗ trái phép”.

Với độ che phủ rừng trên 80%, Kon Plông đã trở thành địa danh du lịch sinh thái nổi tiếng trong cả nước. Cũng từ rừng, những sản phẩm lâm sản phụ của huyện Kon Plông đã trở nên nổi tiếng như sim rừng, mật ong, cốt toái bổ, nấm linh chi, tiêu rừng, lá kim cương và nhiều loại dược liệu quý hiếm khác. Rừng đem lại nhiều lợi ích cho địa phương và người dân ở đây. Vì vậy, huyện Kon Plông cần có thêm những giải pháp đột phá và quyết liệt hơn để bảo vệ nguồn tài nguyên và tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho khu vực này.

                                                          Văn Hiển – Công Luận

          

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *