(kontumtv.vn) – Nằm trong các hoạt động của Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016, sáng 19/3, tại Nhà rông Kon K’Lor, thành phố Kon Tum, đã diễn ra chương trình giao lưu trình diễn cồng chiêng. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm, lãnh Sở VH – TT & DL 5 tỉnh Tây Nguyên.

trinh dien

Tham dự chương trình có hơn 500 nghệ nhân dân gian đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong buổi sáng, các nghệ nhân tham gia biễu diễn 14 tiết mục diễn tấu cồng chiêng, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng, với muôn vàn cung bậc diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người Tây Nguyên. Như tiết mục múa Iri Ria của đoàn nghệ nhân tỉnh Đăk Lăk, hát đối đáp lời hẹn hò của đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai, hát dân ca của đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum…Ông A Thắt, đoàn nghệ nhân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Đoàn nghệ nhân huyện Đăk Hà tham gia biểu diễn tiết mục Gọi em bên mái nhà rông. Tôi rất tự hào, rất vui được gặp gỡ các đoàn nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Tôi được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để truyền lại cho con cháu sau này”.

Những âm thanh, tiết tấu của nhạc cụ dân tộc hay những lời hát dân ca mộc mạc, đơn sơ của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên đã lôi cuốn, thu hút du khách khi đến xem chương trình giao lưu trình diễn cồng chiêng. Ông Trần Quý Thịnh, du khách Thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận: “Mình đã từng nhiều lần với Kon Tum, nhưng đây là lần đầu tiên dự lễ hội này. Mình rất thích văn hóa của người dân tộc ở đây, rất đậm nét truyền thống của Việt Nam. Được biết Không gian  văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Bây giờ chứng kiến tận mắt thì thấy thật là ý nghĩa”.

“Tôi đã nghe nói nhiều đến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Kon Tum, Việt Nam, và cũng là lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt biểu diễn cồng chiêng. Tôi thấy rất thích, rất khâm phục các nghệ nhân ở đây. Nếu có dịp tôi sẽ lại đến Kon Tum để được xem biễu diễn cồng chiêng”. Ông Nomdedeo Jean, du khách Cộng hòa Pháp chia sẻ.

Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội, mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Buổi giao lưu trình diễn cồng chiêng cũng là dịp để các nghệ nhân dân gian 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *