(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có 7 dân tộc thiểu số lâu đời gồm Ba Na, Xê Đăng, Ja Rai, Giẻ – Triêng, Brâu, Rơ Mâm và H’Rê. Tất cả tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc. Đối với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, những người con của mảnh đất Kon Tum đang nỗ lực từng ngày bảo tồn, gìn giữ, truyền lại cho thế hệ sau.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, Nghệ nhân Ưu tú A Jar (thôn Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) vẫn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm và biên dịch sử thi dân gian, các làn điệu dân ca, câu đố, chuyện kể của người Ba Na, Xê Đăng, Ja Rai. Đến nay, hơn 30 tác phẩm sử thi do ông biên dịch đã được xuất bản thành sách, trở thành nguồn tư liệu quý báu để các học giả, nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Nghệ nhân Ưu tú A Jar chia sẻ: “Trước hết tôi rất là tự hào văn hóa dân tộc mình và tôi rất là yêu mến. Từ sự yêu mến, đam mê đó, tôi đã tích cực làm rất nhiều vấn đề để mà bảo tồn lại, nhất là bảo tồn tiếng nói và chữ viết”.
Nghệ nhân Ưu tú A Jar chia sẻ, điều ông vui mừng nhất chính là thế hệ trẻ ngày nay đang tìm hiểu và có ý thức bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cha ông để lại: “Tôi mừng nhất là các em học sinh, tức là thế hệ trẻ. Ngày xưa mình cứ nghĩ là họ quay mặt lại với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhưng bây giờ tôi nghĩ không phải là như vậy. Họ cũng có những cái tâm huyết. Đó cũng là nhờ những người nghệ nhân họ hết sức tích cực trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc mình”.
Xuất phát từ niềm đam mê các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Ba Na ở tỉnh Kon Tum, nhóm bạn trẻ Lê Hoàng Nhật Lam (lớp 12 Văn) và Hồ Nguyễn Nghi Dung (lớp 11 Sử), Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Kon Tum đã dành nhiều thời gian sưu tập, sưu tầm truyện cổ dân gian, tập hợp thành Dự án khoa học mang tên “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum”. Điểm thú vị của Dự án là ngoài sưu tầm 80 truyện cổ Ba Na, hai bạn Lam và Dung còn chuyển thể 15 truyện cổ thành sách in song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Na, trong đó, 6 truyện cổ song ngữ được minh họa tranh vẽ sinh động, dễ đọc, dễ hiểu. Các truyện cổ sau khi xuất bản đã được đông đảo học sinh và giáo viên trên địa bàn đón nhận tích cực. Em Hồ Nguyễn Nghi Dung chia sẻ: “Trong quá trình đi sưu tập chúng em đã có cơ hội gặp gỡ cô giáo Y Lưu và khi chúng em chia sẻ với cô về vấn đề này thì cô đã rất là hào hứng và khuyến khích bọn em làm và tiến hành thêm một bản tiếng Ba Na, tức là tạo một bộ truyện song ngữ Việt và Ba Na”.
Ghi nhận nỗ lực của hai bạn trẻ Lam và Dung trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống theo cách thức mới mẻ, độc đáo, Ban Giám khảo Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2018 – 2019 đã trao giải cao nhất cho Dự án của hai bạn. Em Lê Hoàng Nhật Lam nói: “Qúa trình chúng em làm Dự án này thì chúng em rút ra được một điều là người Ba Na có một kho tàng truyện cổ rất là phong phú và đồ sộ, nhưng trong khi đó, đa phần trẻ em Ba Na đều không biết đến truyện cổ của dân tộc mình và văn hóa truyện cổ người Ba Na đang đứng trước nguy cơ bị mai một, Dự án của chúng em đã góp phần đem truyện cổ của người Ba Na, khôi phục lại để đến gần hơn với trẻ em Ba Na”.
Chính tình yêu và niềm đam mê văn hóa dân gian đã thôi thúc các thế hệ người Kon Tum nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
Thu Trang – Công Luận