(kontumtv.vn) – Những năm qua, cùng với việc thực hiện phương án chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, giao rừng cho cộng đồng và người dân quản lý, bảo vệ, trồng rừng thay thế, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các cấp, ngành ở Kon Tum về giữ gìn đa dạng sinh học, tăng độ che phủ của rừng đã được nâng cao, góp phần đáng kể trong việc giảm nhẹ thiên tai, đối phó với biến đổi khí hậu hiện nay.

Sau khi được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, từ đầu năm đến nay, hơn 500 ha rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy tại khu vực thôn 2, (Đăk Pne, Kon Rẫy) đã được người dân quản lý, bảo vệ tốt hơn, không còn tình trạng xâm lấn, khai thác rừng trái phép. Thôn 2 xã Đăk Pne có trên 60 hộ dân. Được sự hướng dẫn, phối hợp của chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, hàng tháng cộng đồng thôn đều phân công các nhóm luân phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ, phát huy được vai trò tự quản trong cộng đồng, gắn với quyền lợi, trách nhiệm khi được thụ hưởng chính sách chi trả từ dịch vụ môi trường rừng. Bà Y Mem, Thôn trưởng thôn 2 nói: “Trách nhiệm của bà con dựa trên cộng đồng rất là cao. Hàng tháng phải lên rừng xem như thế nào, sợ có ảnh hưởng gì, có bị phá hay không thì bà con về báo cho lâm trường hay kiểm lâm lên xử lý”.

Người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng
Người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng

Đăk Pne là một trong những xã có diện tích rừng tương đối lớn của huyện Kon Rẫy,  trên 15.500 ha. Từ khi triển khai giao cho cộng đồng thôn quản lý, bảo vệ, nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên rừng đã được nâng cao, huy động được mọi người dân tham gia giữ rừng và tình trạng xâm hại tài nguyên rừng đã được ngăn chặn. Ông Lê Văn Dẫu, Chủ tịch UBND xã Đăk Pnecho biết: “Từ khi giao rừng cho cộng đồng quản lý, người dân trong cộng đồng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đã giảm thiểu được tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Động lực chủ yếu là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ khi có cái đó thì mình tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn kinh phí để mua sắm thêm cá khô, lương thực để đi rừng. Trước kia, chưa có thì rất khó huy động lực lượng, giờ có hỗ trợ thì người dân hăng hái hơn. Chính từ đó làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng”.

Kon Tum có trên 780.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái rừng luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao rừng cho cộng đồng và người dân quản lý bảo vệ.

Cùng với công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, việc triển khai trồng rừng thay thế các diện tích rừng bị mất do các công trình thủy điện, các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đã được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ, góp phần giữ gìn, phát triển đa dạng sinh học, nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ hơn 62% lên 64% vào năm 2020 là một trong những biện pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

      Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *