(kontumtv.vn) – Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã tham gia giúp đỡ nước bạn Lào giải phóng đất nước. Với đóng góp đó, họ luôn tự hào vì đã góp phần làm nên tinh thần quốc tế cao đẹp. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng những người lính tình nguyện trên đất Lào vẫn tham gia vào hoạt động ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam – Lào, tiếp tục làm sâu sắc hơn tình hữu nghị này.

Trong căn nhà số 166 đường Lê Qúy Đôn, thành phố Kon Tum, ông Phan Đức Luận, nguyên chiến sĩ tình nguyện tại Sầm Nưa, nguyên Hiệu trưởng Trường Lưu học sinh Lào tỉnh Gia Lai – Kon Tum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Kon Tum cẩn thận xem lại từng hiện vật đã gắn kết cuộc đời ông với nước Lào. Đối với ông, những huân chương danh dự, bằng khen, Quốc kỳ nước Lào và cả những bài hát sáng tác về nước bạn Lào đều là tài sản vô giá. Không chỉ có nhiều đóng góp cho công tác giảng dạy, nuôi dưỡng học sinh Lào và gắn kết, giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa tỉnh Kon Tum với nước bạn Lào trong suốt quá trình công tác, hiện nay ở tuổi 76, ông còn là cầu nối cho các hoạt động hữu nghị Việt – Lào tại tỉnh Kon Tum. Ông Phan Đức Luận chia sẻ: “Tôi được bầu vào làm ủy viên Ban chấp hành hội Hữu Nghị Việt – Lào của tỉnh Kon Tum như vậy là gánh vác rõ hơn trách nhiệm. Bây giờ tôi nghỉ hưu cũng lâu rồi nhưng cũng từ tình cảm gắn bó, vun đắp đó mà mình gắn bó hơn, đất nước Lào luôn ở trong trái tim của tôi.”

Có nhiều năm gắn bó với nước bạn Lào, trong ký ức của Thượng tá Võ Thành Nhơn, nguyên Phó trưởng phòng Trinh sát, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, chiến trường Lào là những ngày tháng gian khổ, anh dũng chiến đấu cùng đồng đội, đặc biệt là những kỉ niệm thấm đậm tình quân dân. Ông cho biết đã từng tham gia vào đội hình quân tình nguyện chiến đấu ở Cao Nguyên Longcheng của Lào từ năm 1970 đến năm 1972. Năm 1979, ông tham gia bảo vệ biên giới, lãnh thổ của Lào trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc với vai trò là chuyên gia quân sự. Sau khi trở về nước, thượng tá Võ Thành Nhơn công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Với tình cảm sâu nặng dành cho Nhân dân nước bạn Lào, khi về hưu, thay vì nghỉ ngơi, ông tiếp tục tham gia dạy học tại tỉnh Champasak của Lào và làm phiên dịch phục vụ cho các Đoàn công tác của Việt Nam với nước Lào. Thượng tá Võ Thành Nhơn kể về một kỷ niệm khó quên khi chiến đấu trên đất Lào: ‘Tháng 3 năm 1970, tôi bị sốt rét thì trong lúc đó đơn vị đang hành tiền tiếp tục chiến đấu, cho nên tôi được đơn vị lại gửi lại phía sau cho một gia đình là bà mẹ Bumi chăm sóc. Như vậy qua 2 ngày ở nhà mẹ Bumi uống thuốc, cắt được cơn sốt rét ác tính rất là nguy hiểm dần dần 1 tuần sau là tôi hồi phục và trở về đơn vị thì tôi thấy rằng tình cảm đó của mẹ với quân tình nguyện Việt Nam cũng như đối với con cái trong nhà.”

Sự đoàn kết giữa quân và dân Việt Nam – Lào trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc là nhân tố góp phần tạo nên thắng lợi của cách mạng hai nước. Ngày nay, Việt Nam và Lào đang trên đà phát triển. Đồng thời, hai nước không ngừng tăng cường mở rộng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu trên tất cả lĩnh vực. Nhiều lần đến thăm nước bạn Lào sau giải phóng, Thượng tá Võ Thành Nhơn cảm nhận: “Chúng tôi thấy tình cảm giữa Lào và Việt Nam là vẫn đậm đà và sâu nặng như trước đây và thấy rằng sau khi đất nước Lào được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSNDCM Lào, sự quản lý của nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân xây dựng đất nước Lào ngày một giàu đẹp và phát triển.”

Những đóng góp, tình cảm của lực lượng quân tình nguyện Việt Nam như ông Phan Đức Luận và Thượng tá Võ Thành Nhơn đã góp phần tô thắm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào. Đồng thời, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về mối quan hệ Việt – Lào, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt này./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *