(kontumtv.vn) – Có ý kiến cho rằng dự thảo Văn kiện cần thể hiện rõ giải pháp gốc rễ để ứng phó biến đổi khí hậu, nhìn nhận vấn đề môi trường một cách toàn diện.

Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều mặt còn hạn chế; pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng cần tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu ứng phó với biến đổi khí hậu.

 tan pha moi truong, bien doi khi hau  la nhung van de nghiem trong hinh 0
Hết bão, miền Trung lại ứng phó với lũ lụt. Trong ảnh, tuyến đường ven biển Sơn Trà, Đà Nẵng bị sóng đánh sạt lở nhiều đoạn (Ảnh: Đình Thiệu)

Quan tâm đặc biệt đến nội dung quản lý tài nguyên, ông Nguyễn Công Chất, ở phường Phạm Đình Hổ (Hà Nội) cho rằng, việc giao quyền quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước trong thời gian qua chưa phù hợp với kinh tế thị trường và hiệu quả chưa cao.

Bởi vậy, cần đẩy mạnh điều tra, giám sát tiềm năng, trữ lượng, hoàn thiện quy hoạch, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Đặc biệt, khai thác sử dụng khoáng sản cần gắn chặt với bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô.

Ông Nguyễn Công Chất đề nghị: “Cần công khai tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, không xâm hại và phải bồi đắp thêm cho kế hoạch 5 triệu ha rừng. Chủ trương có rồi nhưng có thực hiện được không? Thực tế đó phải làm cho tốt, chỗ nào giữ gìn phải giữ gìn, chỗ nào bồi đắp phải bồi đắp. Phải cho nhân dân nhận thức chung để nhân dân có tiếng nói tạo đồng thuận xã hội, trên dưới đồng thuận mới có kết quả”.

Giành nhiều thời gian nghiên cứu về môi trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải Dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Quản lý tài nguyên phải tăng cường giáo dục và thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ông Tuấn góp ý kiến: “Văn kiện Đại hội XII của Đảng cần bổ sung phần hệ sinh thái biển và quản lý các tài nguyên xuyên biên giới. Bởi vấn đề môi trường, ngoài quan tâm đến vấn đề ô nhiễm chất thải rắn, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề đa dạng sinh học, các loại quý hiếm, các vấn đề bảo tồn thiên nhiên”.

“Cần nhìn nhận vấn đề môi trường toàn diện vì rừng, biển hệ sinh thái cũng suy thoái. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến ô nhiễm mà không quan tâm đến đa dạng sinh học, không quan tâm hệ sinh thái trên cạn và dưới nước thì chúng ta làm mất môi trường để các nguồn lợi phát triển cũng như để hài hòa điều kiện sống và giữ gìn môi trường trong lành cho cuộc sống con người”, ông Tuấn phân tích.

Thạc sỹ Hoàng Thị Lan, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam. Một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu là làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Bà Lan khẳng định, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của một ngành riêng lẻ mà chính là vấn đề của phát triển bền vững, vì thế ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết.

Nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu hiện nay là do con người, như vậy con người cần có những hành động để giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp gốc rễ của vấn đề là tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, đặc biệt đội ngũ giáo viên, sinh viên các trường sư phạm nói riêng các trường đại học nói chung.

“Giáo dục ở các cấp học được coi là hình thức truyền thông hiệu quả, lâu dài, mưa dầm thấm lâu. Một học sinh biết sẽ kéo theo phụ huynh biết sẽ tạo thành thói quen. Sinh viên ở các trường sư phạm sẽ là các thầy cô giáo tương lai, nguồn nhân lực sẽ tác động trực tiếp đến mỗi học sinh sau này. Giải quyết bài toán nâng cao nhận thức cho học sinh thì việc truyền thông cho sinh viên các trường Đại học sư phạm là gốc rễ để giải quyết các vấn đề còn lại”, bà Lan nêu rõ.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đề cập mục tiêu đến năm 2020 có bước chuyển biến trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả, bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu này thì cốt lõi của vấn đề vẫn là nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao hiệu quả chống thiên tai và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu./.

Lại Hoa/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *