(kontumtv.vn) – Định hướng XHCN được hiểu như thế nào? Đây là luận điểm còn nhiều tranh luận, còn nhiều phản biện nhất. Đó cũng là tất yếu trên con đường tìm ra chân lý. Vấn đề là tiếp thu để hoàn thiện cho phù hợp với qui luật vận động phát triển. Và đó cũng là yêu cầu mà Đảng đã chỉ ra: Cần phải hoàn thiện thể chế này.

Trong báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII vấn đề mà bạn đọc quan tâm chính là định hướng phát triển nào cho Việt Nam trong những năm tới.

Chưa xứng với tiềm năng

Có thể nói, ở VN từ khi thống nhất đất nước và nhất là từ khi Đổi mới đến nay, chúng ta đã tiến được những bước khá dài. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên, đất nước nhiều thay đổi…Tuy nhiên khách quan mà nói sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng.

Hãy nhìn sang Singapore, đất nước gần như không có tài nguyên thiên nhiên, diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc của nước ta nhưng tại sao họ lại phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, dân số đông, đất chật hẹp tại sao lại là nước có công nghệ nguồn của thế giới và là nước phát triển năng động đứng thứ 03 thế giới (trước đó là thứ 02). Hay Hàn Quốc chỉ sau khoảng 35 năm với xuất phát điểm như nước ta đã là nước phát triển… thần kỳ.

Còn VN ta thì sao, cứ tính từ năm 1986 bắt đầu đổi mới tới nay đã 30 năm mà vẫn đang loay hoay là nước phát triển ở mức độ trung bình thấp.

Phải tập trung lí giải điều này, nghiêm túc nhìn lại thì mới mong có những bước phát triển mới và đó cũng là đòi hỏi là yêu cầu của nhân dân đối với Đảng, những người lãnh đạo, người  “tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng VN”.

Vậy cái gì cản trở làm cho VN chậm phát triển trong khi ta có điều kiện như tài nguyên, nguồn nhân lực và những lợi thế so sánh ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau?

Trước kia ta hay viện dẫn khó khăn ảnh hưởng đến phát triển là do hậu quả chiến tranh để lại, sau đó là cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài…Điều đó cũng là khách quan song từ khi đổi mới, chúng ta thay đổi tư duy đã 30 năm nhưng đất nước vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng? Vì sao vậy? Và hiện nay nhiều chuyên gia đã cảnh báo VN có thể sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Phải nhìn đúng bản chất, sự thật khách quan từ đó mới mong lí giải và mới mong có giải pháp đúng.

Có hai lý do dẫn đến tình trạng trên. Một là, chưa có lí luận phù hợp để mở đường. Hai là, chỉ đạo thực hiện còn nhiều thiếu sót khuyết điểm, duy ý chí. Phải chăng cả hai lý do đó đều làm cản trở sự phát triển của đất nước?

Lấy ví dụ về khoán 10. Một thời gian dài, chúng ta đã nhận thức chủ quan trong vấn đề chỉ đạo nông nghiệp nông thôn, trong phát triển hợp tác xã theo tư duy chủ quan…dẫn đến một đất nước có tiềm năng lớn về sản xuất lúa gạo lại thiếu lương thực. Và khoán 10 là “cây đời mãi mãi xanh tươi” phù hợp với qui luật của sự phát triển. Hay gần đây chúng ta cũng đã mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế tập đoàn, ưu tiên kinh tế nhà nước…Chính sự nhận thức không theo kịp thực tiễn vừa qua là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển.

Thông báo về Hội nghị TW lần thứ 10, đánh giá về những hạn chế trong 05 năm vừa qua đã nhấn mạnh: Kinh tế – xã hội phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế, bất cập; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế phục hồi còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; kết quả thực hiện ba đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới là mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chậm hoàn thiện, chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội…

Việt Nam, Nguyễn Đăng Tấn, xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ, kinh tế thị trương, Nguyễn Tấn Dũng
Khách quan mà nói sự phát triển của VN chưa tương xứng với tiềm năng.Ảnh minh họa.Nguồn: Zing

Định hướng XHCN được hiểu thế nào?

Trong Báo cáo chính trị lần này, Đảng vẫn tiếp tục đề ra chủ trương: Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy thực chất nội dung này là gì? Tại sao Trung ương lại nhận định thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chậm hoàn thiện?

Hiện nay chúng ta đã và đang thực hiện kinh tế thị trường và đã đề nghị các nước công nhận VN có nền kinh tế thị trường, điều đó là phù hợp. Nó đúng với điều kiện nước ta nhưng đồng thời cũng đúng với sự phát triển của qui luật khách quan.

Còn định hướng XHCN được hiểu như thế nào? Đây là luận điểm còn nhiều tranh luận, còn nhiều phản biện nhất. Đó cũng là tất yếu trên con đường tìm ra chân lý. Vấn đề là tiếp thu để hoàn thiện cho phù hợp với qui luật vận động phát triển. Và đó cũng là yêu cầu mà Đảng đã chỉ ra: Cần phải hoàn thiện thể chế này.

Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôtha, C. Mác có một câu nổi tiếng: Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.

Mác chỉ nói đến CNCS và cũng chỉ mới nói như là sự định hướng chính trị còn mô hình kinh tế cụ thể, ông cũng chưa đề cập đến.

Còn thời kỳ quá độ mà Mác nói, thực ra trong lí luận còn rất nhiều tranh luận, phải chăng CNXH chính là nằm trong cái thời kỳ quá độ ấy, thời kỳ mà Mác nói là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.

Và nếu đúng như vậy thì những qui luật cụ thể của nó là gì, để đi tới đó bằng cách nào…?  Chính là điều mà chúng ta còn thiếu, chưa rõ.

Ta cần mạnh dạn khẳng định con đường ta đi tới như Bác Hồ nói và sau này nhiều văn kiện Đảng đã nhấn mạnh: Dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh. Có thể đó cũng là CNXH mà ta đang hướng tới, là cái tên ta đặt ra? Nhưng có lẽ quan trọng hơn là chúng ta đưa ra được mô hình kinh tế để đạt được mục tiêu đã vạch: Dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh, mới điều cốt lõi hiện nay.

Một thời gian dài ta lẫn lộn giữa làm kinh tế và chuyện dân chủ công bằng văn minh nên các doanh nghiệp Nhà nước vừa phải làm kinh tế lại vừa như làm nhiệm vụ của an sinh xã hội, dẫn đến không theo qui luật, thị trường không ra thị trường, bao cấp không ra bao cấp. Hậu quả là nhiều tập đoàn quả đấm thép làm ăn thua lỗ vì phải gánh trên vai nhiều nhiệm vụ song trùng, một số phá sản để lại hệ lụy rất nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả phải đi vào kinh thế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, trước hết là giá cả, phân bổ nguồn lực phải theo thị trường. Và đã thị trường thì phải công khai, minh bạch, bình đẳng”.

Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Có thể thấy đó là cách tiếp cận mới. Vấn đề này cần thảo luận và định hướng một cách cụ thể. Rất tiếc là Văn kiện còn chưa làm rõ vấn đề này.

(Còn nữa)

Nguyễn Đăng Tấn/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *