(kontumtv.vn) – Ông Lù Văn Que: Quan tâm đến dân vận là tất nhiên, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì phải quan tâm đến cả “quan vận”.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, ông Lù Văn Que,  nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương cho rằng, ông cũng như đa số bà con dân tộc rất hoan nghênh việc dự thảo báo cáo văn kiện Đại hội Đảng XII đã nhấn việc mạnh một trong các nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới là việc hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Trình độ dân trí không kém trình độ quan trí

Tuy nhiên, ông Lù Văn Que cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải mở rộng hơn nữa dân chủ trực tiếp. “Tôi theo dõi thấy chúng ta chưa để dân bàn trực tiếp nhiều. Trình độ dân trí của chúng ta bây giờ ngoài vùng dân tộc thiểu số còn thấp, chứ trình độ dân trí chung không khác trình độ quan trí. Phải mở rộng, chỉ trừ những việc gì dân không trực tiếp được mới thông qua đại diện”.
phai quan tam den ca cong tac "quan van"! hinh 0
Ông Lù Văn Que,  nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương

Ông Lù Văn Que cũng cho rằng, cần phải chống dân chủ hình thức với dân chủ cực đoan. “Tôi đi một số vùng thấy có một số hiện tượng dân chủ cực đoan. Vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay của ta là bệnh hình thức. Phải chống tình trạng dân chủ hình thức. Trong Văn kiện phải nói thế nào để làm rõ việc này”

Cùng với việc chống dân chủ hình thức với dân chủ cực đoan, ông Que cho rằng, phải giải quyết tốt vấn đề dân chủ tập trung và tập trung dân chủ. “Bây giờ nói nguyên tắc dân chủ tập trung và tập trung dân chủ? Đây cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ hơn. Bây giờ nếu Đảng, Nhà nước quyết vấn đề gì đó phải lấy ý kiến dân, phải đi từ tâm tư, nguyện vọng của dân. Lúc đó Đảng, Nhà nước mới khái quát lại, trở thành việc của Đảng, Nhà nước, thì khi đó mới tập trung. Khi đã tập trung rồi thì phải thực hiện và khi đó phải là dân chủ tập trung”.

Trong mục tiêu tổng quát 5 năm tới, Dự thảo Văn kiện cũng nhấn mạnh việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường và nângcao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ông Lù Văn Que cho rằng, đưa được vấn đề dân vận vào dự thảo là một việc rất cần thiết, tuy nhiên không nên chỉ quan tâm đến mình dân vận. “Theo tôi quan tâm đến dân vận là tất nhiên, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì phải quan tâm đến cả “quan vận”. Chính phải vận động các “quan”, những người này mà tốt thì mọi việc mới tốt đẹp được”.

Tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc

Ông Lù Văn Que cho biết, một vấn đề nữa ông quan tâm là cùng với đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, Đảng  phải tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, Đảng và Bác luôn coi trọng giải quyết vấn đề dân tộc, đã đem lại độc lập và tự do cho đồng bào các dân tộc. Đất nước ta đã có 30 năm đổi mới, trong đó công tác dân tộc cũng đã có đổi mới, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ so với chưa đổi mới.

Nhưng, kết quả đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu, vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất nước. Ở đây có trình độ phát triển không đều, có khoảng cách chênh lệch về nhiều mặt, rõ nhất là làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, đói nghèo cao, dân trí thấp, cán bộ dân tộc thiểu số ít, văn hóa dân tộc bị mai một…

“Nguyên nhân đó có cả khách quan, nhưng chủ yếu là chủ quan của ta, trong đó có công tác dân tộc, nhận thức của các cấp, các ngành và của nhiều cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sắc, chưa toàn diện; việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm’- ông Que cho biết.

Dẫn lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói “chúng ta phải coi trọng vấn đề dân tộc. Có thể 100 năm sau sẽ hết giai cấp, nhưng dân tộc thì vẫn còn”, ông Que nhấn mạnh, vấn đề dân tộc, công việc dân tộc có tính đặc thù quan trọng, có ý nghĩa hiến lược lâu dài, là vấn đề có tính thời sự cấp bách và rất nhạy cảm… Toàn Đảng và toàn dân ta phải quyết tâm, chủ động giải quyết tốt vấn đề dân tộc theo Đảng và Bác Hồ dạy, bảo đảm không có “điểm nóng” dẫn đến nguy cơ xung đột xã hội, gây bùng nổ dân tộc, làm mất ổn định chính trị – xã hội…

Theo ông Lù Văn Que, trong lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc có nhiều việc phải đổi mới, nhưng cần tập trung đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận – tư duy mới về dân tộc. Đảng phải tổng kết thực tiễn giải quyết vấn đề dân tộc của Việt Nam và thế giới để đúc rút thành lý luận – có tư duy mới về dân tộc theo quan điểm của Mác – Lênin, của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh, cho xứng với “vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn ”của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới.

Theo ông Que, việc làm có ý nghĩa quyết định là, xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán. Đây là “cái gốc của mọi công việc” thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên – người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *