(kontumtv.vn) – Anh Huỳnh Thanh Tú (hiện là Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh Hoàng Nguyên Bách, thành phố Kon Tum) chia sẻ với chúng ta về những nỗ lực của người khuyết tật để vượt mọi khó khăn, vươn lên trở thành người thành đạt trong bối cnh cạnh tranh kinh tế thị trường hiện nay.

Bị khuyết tật vận động chi phải từ khi 3 tuổi do sốt bại liệt gây ra, việc đi lại, học tập và sinh hoạt hằng ngày của anh Huỳnh Thanh Tú gặp không ít khó khăn, nhất là gia đình nghèo khó, có đến 8 người con. Với ý chí, nghị lực của bản thân, ngoài việc học trên lớp, những năm học THCS, THPT, anh đã phải đi làm rất nhiều nghề để có thu nhập, trang trải cho việc học tập như phụ sửa xe máy, đi làm ở các bãi phế liệu, dạy kèm. Từ sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh đã tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế Huế. Đó chính là nền tảng để anh khởi nghiệp, thành lập công ty tư vấn kinh doanh. Anh Huỳnh Thanh Tú chia sẻ: “Sau khi học phổ thông xong, thi đại học mình đậu vào 2 trường đại học, mình chọn học kinh tế. Trong quá trình đi học thì nói chung vất vả, cũng cuốc bộ đi học như thời tiểu học, mưa gió gì cũng đi học, cũng ăn nhờ ở đậu, cũng đi dạy kèm cho các cháu học thêm để kiếm tiền đi học. Có khó khăn thì mình phải cố gắng vượt qua gấp bội”.

Anh Huỳnh Thanh Tú
Anh Huỳnh Thanh Tú

Ngoài hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn luật doanh nghiệp, công ty của anh còn tham gia vào dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như tưới nước tiết kiệm, tưới nước tự động, sử dụng chế phẩm sinh học và bảo tồn nguồn dược liệu quý của Kon Tum. Hiện công ty của anh đang đầu tư trồng 50 ha các giống sâm dây, ngũ vị tử, cốt toái bổ, lan kim tuyến… tại huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông. Chia sẻ về quan điểm để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, anh Huỳnh Thanh Tú nói: “Bác Hồ đã nói rồi: Tàn nhưng không phế. chúng ta phải xác định tàn là như thế nào và phế như thế nào, mình chỉ mong muốn một điều là chúng ta đừng dựa vào mình là người khuyết tật, người khác phải giúp đỡ, phải tài trợ, chiếu cố cho mình, phải thương mình. Cái quan trọng nhất là chính mình thương mình, mình phải nỗ lực phấn đấu, phải làm để nuôi sống được cho bản thân đầu tiên và phải giúp ích cho xã hội thì càng tốt”.

Có thể nói, những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên của người khuyết tật như anh Huỳnh Thanh Tú là rất đáng ghi nhận. Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 là dịp để mỗi chúng ta cảm thông, chia sẻ và biểu dương những người khuyết tật vượt khó, có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tấn Thành – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *