(kontumtv.vn) – Từ khi bước vào xây dựng nông thôn mới, ở xã biên giới Đắk Xú (Ngọc Hồi, Kon Tum) xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi được bà con học hỏi, nhân rộng để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Vợ chồng ông A Klok và bà Y Hếp ở thôn Đắk Tang là một điển hình.

Với mức thu nhập bình quân hàng năm trên 700 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp, gia đình ông A Klok và bà Y Hếp, dân tộc Sê Đăng trở thành đại diện của tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 9 năm 2017. Tuy nhiên, ít ai biết, trái ngọt ngày hôm nay của vợ chồng ông được chắt chiu từ những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả hơn 25 năm qua. Năm 1992, việc trồng cây công nghiệp còn quá xa lạ đối với người dân xã Đăk Xú. Bà con chủ yếu trồng cây lương thực truyền thống như cây lúa, cây mì, thì vợ chồng ông A Klok đã mạnh dạn đưa vào trồng 1 ha cây cà phê để phát triển kinh tế. Ông A Klok kể: “Trồng đầu tiên vất vả, phân bón không có tiền mua, hiệu quả lúc đó còn kém, một năm thu hoạch giỏi lắm 30 bao đầu tiên, năm sau được 40, 50 bao, cứ dần dần phát triển, thấy sản lượng tăng lên, số lượng tiền tăng lên, lấy số tiền đó mua phân bón nhiều thêm, hiệu quả cà phê càng ngày càng tốt, sản lượng càng cao, thu nhập mỗi năm cũng ổn định. Bản thân tôi đã làm cái gì phải theo đến cùng, đến lúc cà phê sụt giá không ai mua nữa nhưng vẫn cứ làm, vì nghĩ thế này: Cà phê là nước mắt, máu mủ của mình bỏ ra, nên bỏ đi là rất tiếc, phải cố gắng làm, lúc nào có giá lên thì lúc đó mình sẽ thay đổi cuộc đời, nói với vợ, vợ chồng mình phải cố gắng làm hết sức”.

Đời sống người dân xã Đăk Xú ngày càng ổn định và phát triển
Đời sống người dân xã Đăk Xú ngày càng ổn định và phát triển

Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, tới khi có được thành công, vợ chồng ông A Klok luôn tìm cách giúp đỡ bà con trong thôn làng. Hàng chục hộ gia đình đã được vợ chồng ông bà giúp đỡ về vốn, tư vấn kỹ thuật để phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Gia đình ông A Chiêng ở thôn Đăk Tang rất khó khăn, không có công ăn việc làm nhưng lại có đến 7 người con. Hơn 2 năm trở lại đây, được ông A Klok nhận về làm việc tại rẫy cà phê, vợ chồng ông A Chiêng vừa có nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cho các con, vừa được tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây công nghiệp. Ông A Chiêng nói: ”Không có vợ chồng anh chị A Klok và Y Hếp nhận về làm rẫy cà phê thì vợ chồng tôi chẳng biết làm gì ra tiền của để nuôi con. Vợ chồng tôi làm việc cho anh chị ở đây mấy năm nay, mọi quy trình trồng cây cà phê đều được anh chị chỉ dẫn cho. Sau này có điều kiện gia đình sẽ tự làm thì không sợ khó khăn nữa, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn”.

Trước những khó khăn của người trồng cà phê là thiếu phân bón, hơn 2 năm nay, vợ chồng ông A Klok đã đầu tư mua số lượng lớn loại phân bón mà gia đình quen dùng để cung cấp cho bà con trong vùng. Điều đặc biệt, khi mua phân bón của ông A Klok, bà con có thể chờ tới vụ thu hoạch và bán được cà phê mới phải trả tiền, không tính lãi. Chị Y Rít (thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú) cho biết: ”Gia đình tôi khó khăn, muốn thoát nghèo nên noi gương chú A Klok và cô Y Hếp trồng cây cà phê. Nhưng lúc đầu rất lo lắng vì vốn không có để làm. Có  ít tiền thì bón ít phân, cây không phát triển được. Nay cô chú giúp bán phân cho nợ tiền thế này nhà tôi yên tâm vô cùng, cứ mua về bón cho đủ lượng cần thiết để cây đậu quả nhiều, bán được giá. Cuộc sống gia đình tôi mấy năm qua nhờ cô chú giúp đỡ đã khá dần lên”.

Không chỉ giúp đỡ hàng chục hộ gia đình trong thôn, trong xã phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, năm 2016 được chính quyền địa phương vận động, vợ chồng ông A Klok đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất để làm đường giao thông. Trước đây do không có đường, hàng chục hộ gia đình ở thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú phải đi vòng cả cây số để ra đường trục chính, dù khoảng cách thực tế chỉ chừng khoảng 100 m. Con đường bê tông làm trên phần đất hiến của vợ chồng ông A Klok đã giúp bà con tháo gỡ được khó khăn này. Ông Đào Tuấn,  Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú ghi nhận:  ”Ngoài việc giúp bà con ra thì hộ gia đình cũng tham gia tốt các phong trào của địa phương, đặc biệt là phong trào nông thôn mới tại địa phương. Từ những mô hình và việc làm đó, chính quyền địa phương rất ghi nhận và mong muốn rằng trong thời gian tới, địa phương sẽ phát triển được nhiều hộ gia đình thành công và tạo sự phát triển chung của xã nhà”.

Lúa đã phủ xanh, cà phê, cao su đã trải dài trên những con đồi, một cuộc sống no ấm đang hiện diện, đẩy lùi cái đói, cái nghèo ở Đắk Xú. Thành quả đó có được từ sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân địa phương. Trong đó có sự đóng góp tích cực của những người tiên phong, gương mẫu như vợ chồng ông A Klok.

                                                                                                     CTV Văn Lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *