(kontumtv.vn) – Đã hơn 5 năm qua, kể từ khi thành phố Kon Tum thực hiện phương án sắp xếp khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung ở tổ 2, phường Lê Lợi, hay còn gọi làng nghề Hnor, nhưng đến nay, hàng chục cơ sở ở  khu vực này vẫn chưa thể ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh do hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tại trục đường N5-4 ở khu vực làng nghề Hnor có hơn 50 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó phần lớn là cơ sở sản xuất kinh doanh nghề mộc, nghề sắt. Theo phản ánh của người dân, chính vì đường không đảm bảo lưu thông, vận chuyển  hàng hóa nên cơ sở của họ luôn trong tình trạng ế ẩm, nhất là vào mùa mưa. Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề Hnor nói: “Ban Chỉ đạo có nói trước khi qua đây đường sá sẽ làm hoàn thành, nhưng chúng tôi qua đây đã bốn năm năm rồi, đường sá người ta không vô được, mưa gió là sình, họ ngại không vô, nên mấy tháng nay tôi cũng ế lắm, không có một người khách nào hết, cho nên đóng cửa nghỉ không làm, nguyên một đường đây luôn chứ không phải riêng một mình hộ tôi đều không có khách nào hết”.

Đường giao thông làng nghề Hnor chưa được đầu tư xây dựng
Đường giao thông làng nghề Hnor chưa được đầu tư xây dựng

Con đường trở nên chấp vá là do người dân đã nỗ lực làm mọi cách với hy vọng bán được hàng hóa. Bình quân mỗi năm, một cơ sở sản xuất kinh doanh ở đây phải mất từ 300.000đ đến 500.000đ cho việc gia cố đường đi. Ông Phạm Ngọc Khẩn, àhộ sản xuất kinh doanh tại đây phản ánh: “Người dân muốn vận chuyển được hàng hóa ra ngoài bán thì người dân phải đóng góp đổ xà bần, cát sỏi ở những chỗ ngập để san lại, người dân tự san bằng để xe cộ vô để giải quyết được hàng hóa. Cứ một mùa mưa là người dân phải đóng góp”.

 Không chỉ khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở đây còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý tài sản của gia đình.

Ông Nguyễn Đăng Thắng đề nghị: “Yêu cầu sao cho có điện đường có để bảo vệ tài sản, chứ ở đây trộm cắp thì lâu lâu vẫn có, quan trọng nhất là cái điện, vì ban đêm rất là nguy hiểm”.

Kết cấu hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh là nguyên nhân làm cho nhiều nhà xưởng ở khu vực này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.

Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *