(kontumtv.vn) – Cách đây 67 năm, vào ngày 20/7/1954, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ,  trước sự chứng kiến của Quốc tế, thực dân Pháp đã ký Hiệp định Giơ-ne-vơ với phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn với nội dung cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. 67 năm trôi qua nhưng ý nghĩa của Hiệp định Giơ-ne -vơ vẫn còn nguyên giá trị.

Thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt  Nam là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương.

Ông Đỗ Văn Lộc, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum kể lại,  năm 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông mới 12 tuổi và được tham gia đoàn học sinh miền Nam từ tỉnh Quảng Ngãi tập kết ra miền Bắc. Ông cho biết, cũng vì chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự bảo trợ của Mỹ đã bội ước với Hiệp định Giơ-ne-vơ nên mãi 21 năm sau khi miền Nam được giải phóng ông mới trở về quê hương. Ông Lộc chia sẻ: “Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng là một chiến thắng của mình bởi vì Hiệp định công nhận nền độc lập của mình, công nhận 2 năm tổng tuyển cử. Hiệp định công nhận như vậy đó nhưng nó nhận một đường nhưng 1 đường nó chống phá nên nó kéo dài mãi chia cắt đất nước của mình từ năm 1954 đến giải phóng Miền Nam năm 1975.”

Sau thất bại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Hiệp định Giơ-ne-vơ chính là dấu mốc khẳng định thắng lợi lớn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Đỗ Văn Lộc cho biết, chiến thắng của ta chưa trọn vẹn vì sự bội ước của Mỹ – Ngụy và bản thân ông luôn tham gia phong trào đòi Mỹ – Ngụy thực thi hiệp định Giơ-ne-vơ.

Nằm trong lực lượng học sinh Miền Nam tập kết ra Miền Bắc học tập vào năm 1954, ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao tỉnh Kon Tum cho biết, Miền Bắc đưa lực lượng tham gia cùng nhân dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam là bắt buộc vì Mỹ – Ngụy không tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Bản thân ông cũng nhiều lần viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu.  Ông Luận nhớ lại: “Hết lớp 9, tôi đã có đơn nhưng do thấp bé, nhẹ cân nên không có được. Đến khi tốt nghiệp lớp 10 đầy đủ điều kiện hơn, tôi xung phong mình đi và các anh em của tôi cũng xung phong đi rất nhiều. Nhiều anh em đủ tiêu chuẩn vào lực lượng không quân, nhiều anh em khác đi vào lực lượng công an vũ trang. Còn tôi đi bộ binh.”

Ông Phan Đức Luận cho biết thêm, thấy được âm mưu Mỹ – Ngụy sẽ phản bội hiệp định Giơ-ne-vơ để chia cắt đất nước nên Đảng, Bác Hồ đã tuyển chọn ra miền Bắc 32.000 học sinh miền Nam để đào tạo, chuẩn bị cho chiến lược lâu dài kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bản thân ông tự hào vì là lớp học sinh miền Nam đầu tiên ra miền Bắc học tập. Hiện nay ông còn lưu giữ nhiều hình ảnh, tài liệu về Hiệp định Giơ-ne-vơ và những kỷ vật liên quan đến học sinh miền Nam để mỗi khi có dịp lại chia sẻ với bạn bè, các đồng nghiệp. Và quan trọng nhất là để lại cho con cháu trong gia đình biết về một thời cha, ông của mình đã từng sống, làm việc, chiến đấu theo gương Bác Hồ như thế.

Tuy Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thực thi trọn vẹn bởi sự phá hoại của Mỹ – Ngụy nhưng đây là thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam trong việc đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, Hiệp định là cơ sở pháp lý Quốc tế buộc các nước lớn trên thế giới phải công nhận Việt Nam là Quốc gia độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là tiền đề để quân và dân dồn toàn lực giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975./.

Văn Hiển – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *