(kontumtv.vn) – Theo ông Phạm Thế Duyệt, cần cố gắng đổi mới thực chất hơn nữa công tác bầu cử qua việc mở rộng và phát huy dân chủ.
“Vai trò của Mặt trận trong bầu cử Quốc hội như trong giới thiệu, hiệp thương phải thực chất chứ đừng mang tính hình thức”- ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (sửa đổi).
“Đảng lãnh đạo, đến bây giờ nhân dân vẫn rất tôn trọng, tin tưởng. Nhưng theo tôi, không nên để 92-93% đại biểu Quốc hội là Đảng viên. Mặt trận đã nâng được tỷ lệ 50% người ngoài Đảng, cố gắng làm sao trong Quốc hội tỷ lệ này cũng được nâng lên. Đây cũng là đổi mới một cách thực chất, như vậy sẽ phát huy được tốt hơn vấn đề dân chủ”- ông Duyệt nói.
Theo ông Duyệt cần cố gắng đổi mới thực chất hơn nữa công tác bầu cử qua việc mở rộng và phát huy dân chủ. Làm sao tăng cường lực lượng của Mặt trận và các đoàn thể làm sao mỗi một tổ chức thành viên có một đại biểu Quốc hội thì sẽ có ý nghĩa hơn.
GS. Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, nếu có điều kiện đổi mới thì phải tăng tính tranh cử trong bầu cử. Chừng nào không có tranh cử trong bầu cử thì chừng đó khó tìm ra người xứng đáng. Muốn tranh cử trong bầu cử, thì không chỉ đơn thuần tranh cử ở các cuộc tiếp xúc cử tri trong giai đoạn bầu cử, mà phải gắn thế nào việc đại biểu được bầu với cử tri đơn vị bầu cử.
“Nên chăng, bầu cử đại biểu Quốc hội 500 người thì chia thành 500 đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị có 2-3 vị ra tranh luận với nhau để người dân thấy ai là người xứng đáng về năng lực, phẩm chất đạo đức. Đại biểu đó phải gắn với đơn vị bầu cử đó chứ bầu xong cử tri không kiểm soát được, giữa đại biểu và cử tri không có quan hệ gì. Tôi đã làm đại biểu Quốc hội 2 khóa và rút ra nhận xét làm đại biểu Quốc hội rất khó, vì quyền hạn rất lớn nhưng cũng rất dễ vì chẳng ai kiểm soát, đánh giá nhận xét mình cả. Chính vì vậy, cần phải làm thế nào để đại biểu Quốc hội gắn cử tri và được cử tri giám sát”- GS Trần Ngọc Đường nói.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cơ chế giám sát đại biểu Quốc hội sau bầu cử là vấn đề đáng suy nghĩ. Hàng năm, các đại biểu Quốc hội phải có chương trình hành động của mình và phải công bố để Mặt trận và cử tri có thể giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử.
Luật cần làm rõ vấn đề dân chủ
Theo ông Phạm Thế Duyệt, dự thảo MTTQ Việt Nam sửa đổi cần cố gắng thể hiện rõ Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 chọn những vấn đề mới, đích đáng mới để đưa vào dự thảo luật, không nên ôm đồm tất cả các vấn đề.
Ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh rằng, vấn đề tập hợp đoàn kết nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, muốn làm được thì điều kiện quan trọng lúc này luật cần làm rõ vấn đề dân chủ, làm rõ vai trò của MTTQ.
“Mặt trận Tổ quốc là tất cả các thành viên của của Mặt trận, chứ không phải chỉ riêng MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận, quan hệ Nhà nước với Mặt trận cũng cần được thể hiện rõ trong các điều khoản của Luật. Chỉ có chế độ ta mới có hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Mặt trận là đại diện cho các tầng lớp nhân dân”- ông Duyệt nói.
Về vấn đề giám sát phản biện, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng trong tình hình hiện nay Đảng đã khẳng định càng hội nhập, càng mở rộng, càng tư nhân hóa thì tham nhũng, quan liêu mất dân chủ tranh giành quyền vị ngày càng nhiều. Cho nên muốn giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng thì vấn đề giám sát và phản biện là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, cần xác định Mặt trận là trung tâm để điều tiết quan hệ của Mặt trận với các tổ chức thành viên, quan hệ với hệ thống lập pháp, hành pháp, đồng thời bổ sung quan hệ với hệ thống tư pháp, cùng với đó là quan hệ với Đảng, với nhân dân. Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền của MTTQ Việt Nam, quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận để làm rõ hơn tính chủ động của Mặt trận trong hoạt động này./.