(kontumtv.vn) – Nhằm đổi mới phương thức quản lí, canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho cà phê ở Kon Tum, trong thời gian qua, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực.

Tham gia tập huấn sản xuất cà phê bền vững ngay từ khi Dự án khởi động tại địa phương, ông Phạm Văn Tác (tổ 4A, thị trấn Đắk Hà) đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê lâu năm để trồng mới hoàn toàn 1 ha cây cà phê bền vững. Gia đình ông được hỗ trợ giống cây cà phê, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, ông được hướng dẫn qui trình chăm sóc, kĩ thuật tưới nước, bón phân và sử dụng hóa chất sinh học. Vườn cà phê đang sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh nhiều, đặc biệt không có dấu hiệu bệnh. Ông Tác nói: “Trước kia vườn cà phê già cỗi, cho năng suất rất  thấp, nên tôi quyết định phá vườn cà phê để trồng lại.  Được sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay vườn cà phê nhà tôi phát triển rất  tốt, dự đoán 2 năm nữa tôi sẽ được thu bói”.

Cà phê tái canh theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững
Cà phê tái canh theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Cũng giống như ông Phạm Văn Tác, được Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững hỗ trợ, hơn 5 sào cà phê 8 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Ngãi (thôn 7, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà)  năm nay cho năng suất cao hơn hẳn. Tính trung bình 1 cây cà phê cho khoảng 1 tạ quả tươi. Với 5 sào cà phê này ông Ngãi sẽ được thu khoảng 12 tấn tươi, tăng hơn 3 tấn so với các năm trước đây. Điều đáng nói là ở niên vụ này, ông Ngãi đã áp dụng theo qui trình hướng dẫn sản xuất của Dự án nên lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã giảm đi một nửa. Ông cũng không phải bỏ tiền để thuê nhân công thường xuyên làm cỏ và tưới nước như những năm trước. Ông Ngãi chia sẻ: “Tham gia mô hình chuyển đổi cà phê bền vững là rất tốt, bởi vì cho tôi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và hơn nữa là cho năng suất đạt hơn mọi năm. Hơn nữa giúp xanh, sạch, bảo vệ được môi trường, giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, bón đúng bón đủ phân, đúng liều lượng và đủ chất. Các cán bộ kĩ thuật hướng dấn cho tôi rất tốt”.

Năm đầu khởi động tại 2 huyện Đắk Hà và Đắk Glei, Dự án đã nhanh chóng đưa kĩ thuật canh tác, tái canh cà phê bền vững đến với gần 600 nông hộ. Thông qua các lớp học đầu bờ và điểm mô hình trình diễn, nông dân được hướng dẫn trồng và chăm sóc cây cà phê theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây; bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp và đúng thời điểm nhằm đem lại hiệu quả tối đa; lợi dụng thiên địch trong công tác phòng, trừ sâu bệnh hại… Từ đó, nâng cao chất lượng vườn cây, tăng năng suất và mức độ nguyên chất, đặc trưng của cà phê trên đất Kon Tum. Dự án nhận được sự quan tâm của đông đảo nông dân cũng như sự ủng hộ, đánh giá cao của chính quyền các địa phương. Ông  Phạm Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang ghi nhận: “Dự án đã tập huấn và đào tạo cho người dân về kĩ thuật trồng, chăm sóc cà phê; dự báo tình hình dịch bệnh hại cà phê hàng tuần, cập nhật nhanh các thành tựu khoa học kĩ thuật mới và tiên tiến. Qua 1 năm triển khai, việc canh tác cà phê bền vững trên địa bàn xã đã đem lại thay đổi tích cực như tăng năng suất, phân bón sử dụng hợp lí, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Qua thăm dò ý kiến người dân tại thôn, đa số nông dân mong muốn tham gia dự án, dần đưa các sản phẩm cà phê chất lượng cao ra thị trường và diện tích cà phê ổn định lâu dài hơn”.

Với mục tiêu tăng lợi nhuận trong sản xuất và chế biến cà phê, góp phần đưa giá trị mỗi ha cà phê tăng khoảng 15 triệu đồng so với cà phê giống cũ, trồng theo lối truyền thống, một năm qua, Dự án chuyển đối nông nghiệp bền vững không chỉ chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn người nông dân, mà còn tăng cường công tác nhân giống, triển khai giống cà phê vô tính với nhiều đặc tính ưu việt; lấy mẫu, phân tích đất và chuẩn đoán dinh dưỡng tại từng vùng thổ nhữơng. Trên cơ sở đó, hỗ trợ giống phù hợp, tư vấn thời điểm xuống giống và đưa ra phương án tưới nước, bón phân và phòng, trừ sâu bệnh hại hữu hiệu nhất. Có thể nói rằng, với thực trạng diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng tăng theo từng năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân như hiện nay, thì Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững chính là giải pháp thiết thực và lâu dài. Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong những năm tới, với mục tiêu có ít nhất 3.300 ha cà phê bền vững với 4.000 hộ tham gia, trong đó có khoảng 600 hộ tham gia tái canh cà phê trên diện tích khoảng 480 ha, sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân nòng cốt. Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê bền vững; triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm; nâng cấp các vườn ươm giống tư nhân, vườn giống của tỉnh; thí điểm qui hoạch cảnh quan; thành lập các tổ chức nông dân về sản xuất cà phê bền vững, trên cơ sở đó đầu tư nâng cấp đường giao thông, sân phơi, nhà kho cho cộng đồng, đầu tư trang thiết bị thiết yếu như máy sấy, máy sơ chế hạt”.

Hy vọng rằng, Dự án này góp phần xây dựng vùng trọng điểm cà phê bền vững, hướng đến sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn công nghệ cao tại Kon Tum, giải quyết tình trạng cà phê già cỗi, lâu năm, cà phê lão hóa sớm trước tuổi cũng như những hệ lụy đến môi trường và nguồn tài nguyên như hiện nay.

Hà My – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *