(kontumtv.vn) – Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong vùng DTTS, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, mô hình “Bếp ăn bán trú” của Trường THCS xã Ngọc Wang là một điển hình tiêu biểu, góp phần duy trì sĩ số, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Với đặc thù các thôn nằm rải rác và cách xa trường, trước đây, việc đến trường của các em học sinh bậc THCS trên địa bàn xã Ngọc Wang gặp không ít khó khăn. Nhiều học sinh phải đi học từ sáng sớm để vượt hàng chục cây số đến trường. Đối với các em học 2 buổi/ ngày, nhiều lúc phải nhịn đói do quãng thời gian giữa 2 buổi học không đủ để các em về nhà ăn cơm, rồi lại đến trường… Thực tế này đã khiến nhà trường và chính quyền địa phương hết sức trăn trở.

Bữa ăn trưa tại trường
Bữa ăn trưa tại trường

Năm 2016, Trường THCS Ngọc Wang triển khai thực hiện mô hình “Bếp ăn bán trú” với mong muốn chia sẻ với những khó khăn của các em và giải quyết tình trạng các em học sinh bỏ học các tiết học phụ đạo buổi chiều. Thầy Nguyễn Quang Thiện, Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọc Wang nói: “Ban đầu thực hiện mô hình bếp ăn bán trú thì hầu như chưa có gì. Chúng tôi bằng cách tiết kiệm từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, rồi vận động sự đóng góp của các bậc cha mẹ học sinh, và cả ngày công của cha mẹ học sinh cũng như là của các thầy cô giáo trong nhà trường để từng bước dần hình thành nên cơ sở vật chất phục vụ cho các em ăn bữa cơm trưa vào các ngày thứ 2, thứ 3 và thứ 4 hàng tuần để buổi chiều các em ở lại tham gia học các lớp phụ đạo, nhằm nâng cao chất lượng của nhà trường nói riêng và của ngành nói chung”.

Mô hình bếp ăn bán trú được triển khai trên cơ sở vận dụng linh hoạt chế độ thụ hưởng của học sinh dân tộc thiểu số theo Quyết định 116 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi học sinh được hưởng chế độ ăn 695.000đ/ tháng, tương đương 15.000đ/ bữa ăn. Để tổ chức tốt việc ăn nghỉ cho các em học sinh, nhà trường giao cho Công đoàn cơ sở trực tiếp phân công đoàn viên công đoàn thực hiện xây dựng nhà vòm, nhà bếp, vận động ủng hộ đồ dùng nhà bếp… để phục vụ việc nấu ăn. Ngoài ra, nhà trường phân công các giáo viên theo lịch để chuẩn bị bữa ăn cho học sinh và tổ chức cho các em nghỉ trưa tại trường. Cô giáo Phạm Thị Thanh Hằng, Hiệu phó, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS xã Ngọc Wang cho biết: “Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất thì nhà trường cũng đã phân công cụ thể, có lịch cụ thể cho từng giáo viên. Trong đó cán bộ quản lý tham gia đầy đủ 3 đồng chí/3 buổi. Còn giáo viên thì nhà trường đã phân công giáo viên nữ sẽ phụ trách khâu ăn và chuẩn bị bàn ăn cho các học sinh. Sau khi các em ăn xong, nghỉ ngơi khoảng 15 phút thì giáo viên nam sẽ có nhiệm vụ quản lý về giấc ngủ cho các em. Học sinh nam ngủ một phòng riêng, học sinh nữ ngủ một phòng riêng. Đúng đến 12h45, khi có hiệu lệnh trống trường thì các em dậy chuẩn bị tư trang để học buổi chiều”.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, cùng với tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, qua 3 năm triển khai, mô hình đã mang lại những kết quả tốt. Hiện trường có 190 em học sinh tham gia ăn bán trú, trong đó có 5 em không thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ nhưng vẫn tham gia ăn bán trú tại trường để đảm bảo sức khỏe và giờ giấc học tập. Em Y Thị Nguyệt (lớp 9B) chia sẻ: “Bố mẹ em cũng rất yên tâm khi bọn em ăn ở đây, được nhà trường chăm sóc cho, được ăn nghỉ buổi trư rất là tốt, nhà trường hỗ trợ cho ăn rất là ngon”.

 « Em ăn cơm ở trường và nghỉ lại buổi trưa thì có thời gian học buổi chiều, bố mẹ em ở nhà đi làm cũng an tâm hơn ». Em Y Giang (lớp 7B) nói.

Từ chỗ tỷ lệ chuyên cần thấp những năm học trước, đến nay, tỷ lệ duy trì sĩ số của Trường THCS Ngọc Wang đạt trên 93%, tỷ lệ chuyên cần của lớp học chính khóa đạt trên 95%, các lớp phụ đạo trên 80%. Riêng các em học sinh ở các thôn, làng thụ hưởng chính sách tỷ lệ duy trì sĩ số lên đến 96%. Đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của các bậc cha mẹ học sinh khi con em ăn trưa và nghỉ ngơi tại trường, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa được các thầy cô giáo quản lý, tránh được tình trạng các em bỏ tiết, tham gia vào các trò chơi nguy hiểm, không lành mạnh.Thầy giáo Nguyễn Quang Thiện cho biết : « Sắp tới, để phát huy hơn nữa tác dụng của bếp ăn bán trú này thì chúng tôi rất mong muốn nhận được sụ quan tâm chỉ đạo của các cấp cũng như chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể. Đặc biệt là sự đồng thuận của các bậc cha mẹ học sinh. Và cũng mong muốn rằng các mạnh thường quân sẽ vào cuộc để giúp chúng tôi khắc phục dần những khó khăn về mặt cơ sở vật chất để nâng cao hơn nữa chất lượng của bếp ăn bán trú, nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh theo hướng bền vững ».

Từ hiệu quả của Bếp ăn bán trú Trường THCS xã Ngọc Wang, đã có nhiều mô hình tương tự đươc triển khai tại các trường học ở các xã Đăk Ui và Đăk Hring của huyện Đăk Hà. Song để hành trình đến trường của các em học sinh vùng sâu vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn huyện vơi bớt những gian nan rất cần có nhiều hơn sự tâm huyết và đồng thuận, đồng hành của chính quyền địa phương, các tập thể, cá nhân và cha mẹ học sinh để các em có thêm điều kiện đến trường.

CTV Chung Loan – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *