(kontumtv.vn) – Với phương thức tiếp cận tuyên truyền phù hợp, đúng đối tượng, mô hình điểm về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Ngọc Tem và xã Đăk Nên, huyện Kon Plông do Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum triển khai đã đem lại kết quả đáng phấn khởi. 

Là xã đặc biệt khó khăn với trên 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ngọc Tem không chỉ có tỉ lệ hộ nghèo cao mà còn là địa phương có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với tỉ lệ khá cao. Áp lực của những gia đình tảo hôn lên xã hội là không nhỏ khi phần lớn trong số này rơi vào diện nghèo. Tín hiệu vui là sau ba năm được chọn triển khai mô hình điểm, số hộ tảo hôn phát sinh trên địa bàn xã Ngọc Tem từ 25 trường hợp năm 2015 giảm còn 01 trường hợp năm 2018. Bà Y Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem nói: “Do chúng tôi thiếu nguồn lực, biện pháp tuyên truyền còn hạn chế nên kết quả chưa cao. Tỉ lệ tảo hôn có giảm nhưng giảm ít. Còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Từ khi Ban Dân tộc tỉnh triển khai đề án tại xã hỗ trợ chúng tôi biện pháp tuyên truyền phù hợp, nên kết quả đạt rất tốt. Đó là tình trạng tảo hôn giảm đáng kể, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống”.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở khu dân cư
Tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở khu dân cư

Nhiều nét tương đồng với xã Ngọc Tem, xã Đăk Nên có tỉ lệ tảo hôn khá cao. Xóa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn là mong muốn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn xã Ngọc Tem để làm thí điểm đã tiếp thêm nguồn lực giúp xã giảm được vấn nạn này. Từ năm 2015 đến nay chỉ xảy ra 2 trường hợp tảo hôn. Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: “Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với xã tuyên truyền hết các thôn. Năm 2015 có 20 cặp tảo hôn tại xã Đăk Nên. Lộ trình đến năm 2020 sẽ không còn cặp nào”.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã mạnh dạn lựa chọn hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông là Đăk Nên và Ngọc Tem để xây dựng mô hình điểm về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, 22 tổ tư vấn tuyên truyền được thành lập tại 22 thôn của 2 xã với thành phần cốt cán là bí thư chi bộ, người có uy tín, thôn trưởng và cán bộ đoàn thể. Trên cơ sở kiến thức và kỹ năng được tập huấn, các thành viên tổ tư vấn đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở thôn làng. Anh Đinh Xuân Ba, Tổ trưởng Tổ Tư vấn thôn Điek Lò 1, xã Ngọc Tem nói: “Nắm bắt cặp nào có dấu hiệu tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống chúng tôi đến tận nơi gặp trực tiếp và tuyên truyền các cặp đó về luật pháp của Nhà nước nghiêm cấm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chúng tôi tìm những cặp không tảo hôn tốt về  kinh tế, giáo dục con cái chúng tôi lấy gương đó so sánh với các cặp tảo hôn, tới bây giờ không còn tảo hôn”.

Cùng với phát huy tốt vai trò của tổ tư vấn, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp cùng địa phương tổ chức tuyên truyền trực quan sinh động, giúp người dân ở hai xã Ngọc Tem và Đăk Nên cơ bản hiểu được tảo hôn là vi phạm pháp luật cũng như tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến sự phát triển của của xã hội. Ông Đinh Văn Thìn, Thôn trưởng thôn Đăk Lai, xã Đăk Nên nói: “Thôn trưởng phối hợp với các ban, ngành của thôn không cho lấy vợ chồng sớm,  vợ chồng phải đủ tuổi thành niên, phụ nữ thì từ 18 trở lên, con trai từ 20 trở lên”.

Điểm mới trong công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn do Ban Đân tộc tỉnh Kon Tum triển khai ở hai xã Ngọc Tem và Đăk Nên là thông điệp được truyền đạt bằng tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời phương pháp tiếp cận đối tượng, tuyên truyền có lựa chọn đã được chú trọng. Bà Trần Thị Diệu Hằng, Trường Phòng Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi mạnh dạn chọn xã là điểm nóng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để làm mô hình điểm. Phương pháp tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền chúng tôi chú trọng tài liệu trực quan sinh động và khi tuyên truyền chúng tôi tuyên truyền trực tiếp cho dân trong thôn”.

“Đề án tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang triển khai trên địa bàn  Ngọc Tem và Đăk Nên  đã đạt kết quả nhất định. Trong đó phải kể đến vai trò của Ban Chỉ đạo, vai trò tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là các tổ tư vấn ở khu dân cư. Kết quả đạt được là cơ sở để Ban Chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình nhằm hạn chế thấp nhất  nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh”. Ông Ka Ba Thành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum nói.

Trong năm 2017, tỉnh Kon Tum có 351 trường hợp tảo hôn, trong đó có 312 trường hợp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả bước đầu ở xã Ngọc Tem và Đăk Nên là mô hình điểm để nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

 Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *