(kontumtv.vn) – Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone tại thành phố Kon Tum, đã mang lại hiệu quả cho người bệnh, cho gia đình và xã hội, nhất là giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng, giúp người bệnh tái hòa nhập với cộng đồng.

Sau một năm nghiện ma túy, kinh tế của gia đình anh Trần Việt Phương (thành phố Kon Tum) rơi vào khó khăn. Bởi vì hằng ngày anh phải tốn hơn 1 triệu đồng để mua ma túy sử dụng. Năm 2015, sau khi Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone, anh đã tự nguyện đăng ký cai nghiện và quyết tâm từ bỏ ma túy. Anh Phương chia sẻ: “Thời gian em nghiện thì mất hết tất cả, bạn bè xa lánh, gia đình cũng dị nghị rất nhiều, vợ con cãi vã, nhiều vấn đề xảy ra lắm. Từ lúc có chương trình Methadone thì em thấy giúp ích cho em rất nhiều, không tốn kém, không phải suy nghĩ gì về vấn đề tiền bạc để lo cho chu cấp vấn đề ma túy nữa. Hàng ngày em chỉ cố gắng bỏ chút thời gian buổi sáng hoặc buổi chiều đi uống thôi, còn ngoài ra không tốn kém gì về tiền bạc hết”.

METHDONE

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Cơ sở điều trị Methadone số 1, thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 130 người đến đăng ký điều trị, hiện số bệnh nhân đang điều trị thường xuyên là 73 người. Qua thời gian điều trị Methadone, cho thấy hiệu quả tích cực, nhiều bệnh nhân kiên trì, tuân thủ tốt điều trị, uống thuốc Methadone đã từng bước hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Một bệnh nhân điều trị bằng Methadone nói: “Từ lúc điều trị cái này thì cảm thấy sức khỏe và kinh tế cũng tốt, gia đình vui vẻ, làm ăn tốt. Điều trị phải cố gắng bỏ cho bằng được thôi”.

“Ngoài những việc nâng cao chất lượng điều trị thì chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều buổi tư vấn trực tiếp cho những người nghiện, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Methadone, tạo điều kiện cho những người nghiện ma túy và gia đình họ có thời gian chia sẻ, động viên để vượt qua  và tái hòa nhập tốt với cộng đồng”.  Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết.

Hiệu quả chương trình điều trị Methadone là rất lớn. Hiện nay Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh đang triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020. Ngày 12/5/2017, Trung tâm đã khai trương Cơ sở điều trị số 2 tại huyện Ngọc Hồi. Hướng đến sẽ triển khai thêm các điểm cấp phát thuốc Methadone mới ở các huyện khác. Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Diệu Thúy nói: “Chúng tôi định hướng sắp tới sẽ triển khai các điểm cấp phát thuốc Methadone ở các nơi có người nghiện cao, như huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, tiến đến 2020 thì chúng tôi sẽ triển khai một số điểm cấp phát thuốc tại xã có trên 10 người nghiện ma túy. Ngoài những việc như thế thì chúng tôi thường xuyên tư vấn, truyền thông lồng ghép với công tác phòng chống HIV/AIDS để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, giảm loại hình tội phạm do nghiện ngập ma túy”.

Với sự quan tâm của tỉnh, chương trình điều trị bằng Methadone đã giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, hạn chế gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy, buôn bán, sử dụng ma túy và góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *