(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, công tác QLBVR, PCCCR trên địa bàn thành phố Kon Tum được thực hiện một cách hiệu quả. Một trong những giải pháp đem lại thành công là việc giao khoán rừng cho cộng đồng, các hộ ĐB DTTS tự tổ chức quản lý, bảo vệ.

Thành phố Kon Tum có trên 9.400 ha đất rừng, nhưng lại được phân bố manh mún và nằm xen kẽ gần cộng đồng người DTTS, nên rất dễ xảy ra tình trạng xâm lấn, đốt nương làm rẫy một cách tự phát. Vì vậy ngành Kiểm lâm thành phố đã tiến hành rà soát, lập danh sách và thực hiện giao khoán đất rừng cho các hộ ĐBDTTS tự quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, nhiều diện tích trước đây là đất trống, đồi trọc thì nay đã được phủ xanh. Anh A Pú  (thôn Plei Weh, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) nói: “Trước đây, cây ở đây thì nhỏ, người dân trong làng chặt làm củi, làm rẫy, giờ thì Nhà nước đã giao thì mình phải đi tuần tra, phải cố gắng làm. Giờ thì cây rừng của mình rừng đã lên, cây to hết”.

Rừng được bảo vệ tốt khi được giao khoán cho cộng đồng dân cư
Rừng được bảo vệ tốt khi được giao khoán cho cộng đồng dân cư

Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay thành phố Kon Tum đã giao khoán cho 86 hộ ĐBDTTS trên địa bàn hai xã Ia Chim và Đăk Blà, với diện tích 970 ha rừng và đất rừng. Việc giao khoán đất rừng cho cộng đồng kết hợp chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã mang lại những thay đổi tích cực từ cách làm đến nhận thức của nhân dân. Ông Hoàng Minh Chiến, Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: “Từ khi được giao rừng đến nay, đặc biệt khi có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì ý thức về công tác bảo vệ rừng của bà con được nâng lên rất cao. Từ đó đến nay cũng không để xảy ra các trường hợp về lấn chiếm, phá hoại hoặc cháy rừng. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng rất mong thành phố, tỉnh xem xét để tiếp tục giao rừng cho các hộ dân để việc quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được hiệu quả”.

Tuy nhiên, đến nay diện tích rừng trên địa bàn thành phố Kon Tum được giao khoán cho các hộ gia đình ĐBDTTS quản lý còn rất hạn chế, chỉ chưa đến 1/10 tổng diện tích. Với đặc thù chủ yếu là rừng khộp, thực bì và đất trống, đồi trọc, nên việc tiếp tục rà soát, giao khoán cho người dân bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng là hết sức cần thiết. Có như vậy, cộng đồng người DTTS mới nâng cao nhận thức, tự giám sát lẫn nhau để phát triển rừng một cách bền vững. Bà Y Thị Thuý Hằng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum đề nghị: “Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của tài nguyên rừng. Đồng thời cũng hỗ trợ cho các hộ gia đình giống cây lâm nghiệp để phát triển, trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp còn trống. Qua đó, từng bước phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng”.

Hiệu quả của việc giao khoán rừng đem lại là rất lớn, vừa tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân, vừa gắn trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, việc giao khoán cũng giúp cho ngành Kiểm lâm thành phố Kon Tum giảm bớt áp lực về nhân sự, nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển rừng một cách bền vững.

CTV Trần Quang – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *