(kontumtv.vn) – Phát huy lợi thế từ lòng hồ thủy điện Plei Krông, nhiều hộ dân tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã tập trung phát triển nghề đánh bắt thủy sản mang lại thu nhập cao cho người dân.

8h30 sáng mỗi ngày, chiếc xe lưu động của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại Đăk Wơk Yôp lại đi từ đầu thôn đến cuối thôn để thu gom các mặt hàng thủy sản. Cá rô phi, cá chép, cá thát lát, tôm…đây đều là những sản phẩm được người dân đánh bắt tại lòng hồ thủy điện Plei Krông. Để có những mẻ cá tươi, từ người già đến trẻ nhỏ phải đi thả lưới từ 4h sáng. Bình quân mỗi ngày, người dân ở đây thu nhập 200.000đ – 300.000đ từ việc đánh bắt thủy sản ở lòng hồ thủy điện. Già làng A Núi (thôn Đăk Wơk Yôp, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) nói: “Bà con nơi đây sống chủ yếu nhờ vào việc đánh bắt cá, theo từng ngày, lòng hồ vào mùa này thường bắt được cá chép, cá rô phi và cá diếc. Bà con thường đi vào 5h30 đến khoảng 8h họ mới về, nó không bình thường, lúc nhiều, lúc ít, lúc được khoảng 200.000đ – 300.000đ có lúc thì được 100.000đ”.

Đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Plei Krông
Đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Plei Krông

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại Đăk Wơk Yôp được thành lập vào tháng 11/2018 với mục đích trở thành đầu mối thu gom thủy sản cho bà con. Được thành lập từ các hộ dân đánh bắt cá, đến nay Hợp tác xã có 29 thành viên. Mỗi ngày hợp tác xã thu gom từ các thành viên khoảng 200kg – 300kg thủy sản, còn vào những lúc nước lớn, thủy sản thu được cũng gần 500kg. Lượng thủy sản thu được không chỉ đủ cung cấp cho bà con tại đây mà còn trở thành nơi phân phối cho các địa phương lân cận. Già làng A Núi cho biết: “Chú cũng là một trong những thành viên nằm trong hợp tác xã. Khi chưa thành lập hợp tác xã thì bà con thường bán cho con buôn, từ khi thành lập hợp tác xã chúng tôi được thu mua với giá cả ổn định hơn”.

Từ bao đời nay, người dân ở đây chủ yếu sinh sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Từ khi Nhà máy thủy điện Plei Krông đưa vào hoạt động, người dân ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy có cơ hội khai thác nguồn cá nước ngọt, nhiều hộ dân có thêm nghề mới mang lại thu nhập cao.

Bên cạnh khai thác nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ thủy điện, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cũng chính là lý do giúp cho kinh tế của người dân ở đây phát triển. Trước đây chủ yếu trồng mỳ, trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày, thì nay bà con đã chuyển đổi trồng những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ….

Anh Ngô Đức Huỳnh (thôn Tân Sang, xã Hơ Moong) có hơn 2 ha đất sản xuất, trước đây vợ chồng anh chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày ít mang lại hiệu quả kinh tế, khiến cho cuộc sống 2 vợ chồng rất khó khăn. Khi được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cây giống và kỹ thuật, sau 4 năm, 2 vợ chồng đã có thu nhập ổn định hơn, bình quân mỗi tháng từ 7- 8 triệu đồng. Anh Ngô Đức Huỳnh chia sẻ: “Được sự giúp đỡ Ủy ban nhân dân xã Hơ Moong về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ về giống, vợ chồng đã mạnh dạn chuyển đổi và cũng thấy hiệu quả kinh tế cao. Tập trung chuyển đổi sang cây tiêu và xen cây trái như sầu riêng, bơ, bưởi. Sau 4 năm chuyển đổi, hiện tại nguồn chủ lực đang thu chính là cây tiêu và sắp tới là đi vào thu hoạch cây sầu riêng và các loại cây ăn trái”.

Được thành lập vào năm 2006, xã Hơ Moong là một trong những xã đặc biệt khó khăn. Do địa hình, do tập quán canh tác lạc hậu nên cái nghèo cái khó vẫn đeo bám người dân ngày này qua tháng khác. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân thay đổi ý thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, trên địa bàn xã đã có những thay đổi rõ nét, diện tích cây trồng tăng lên đang kể, đơn cử cây cao su có hơn 1.000 ha, hơn 600 ha cây cà phê trồng đan xen cây ăn trái, cây dược liệu. Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết: “Bà con ngày xưa chủ yếu canh tác cây ngắn ngày là chủ lực nên nguồn thu của bà con rất hạn chế, đói nghèo còn cao. Từ khi bà con nhận thức được vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã có sự thay đổi, có nguồn thu nhập cao hơn giúp cải thiện đời sống cũng như xóa đói giảm nghèo cho bà con”.

Hiện nay, cuộc sống của những người dân ở xã Hơ Moong đã dần đổi thay, nhà nhà ấm no, thôn, làng khang trang hơn. Để có được Hơ Moong như ngày hôm nay là sự nỗ lực của từng hộ dân cùng với việc sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi, nhiều người dân xã Hơ Moong đã bắt tay vào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *