(kontumtv.vn) – Tham dự và nêu ý kiến chỉ đạo, định hướng quan trọng trong các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, hội nhập quốc tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Quân ủy Trung ương năm 2013. Ảnh: QĐND

Tại Hội nghị của Quân ủy Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2013; xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, dành thời gian phân tích, làm rõ nhiều vấn đề về tình hình thế giới, khu vực và trong nước có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tiếp tục nâng cao chất lượng việc nắm tình hình, phân tích sâu sắc tình hình, để từ đó có những nhận định chính xác, làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước có đối sách phù hợp, xử lý từng tình huống cụ thể một cách hiệu quả, nhằm bảo đảm mục đích vừa giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; vừa giữ vững hòa bình, ổn định, vừa tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Việc xác định các chủ trương, giải pháp của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và cấp ủy các cấp trong toàn quân cần gắn kết chặt chẽ với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục khảo sát, tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của các đoàn kinh tế-quốc phòng hiện nay. Thực tiễn hoạt động của các đoàn kinh tế-quốc phòng hiện đang mang lại hiệu quả cao; vừa xây dựng được thế trận quốc phòng, vừa tạo được việc làm cho người dân địa phương, vừa góp phần đẩy nhanh mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Ngân hàng quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chú trọng giải quyết để giảm nhanh nợ xấu. Ảnh: VGP

 * Tới dự, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ngành Ngân hàng phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiền tệ gắn chặt với chính sách tài khóa và các chính sách khác; đảm bảo giữ lạm phát năm 2014 ở mức 6,5-7%; giữ ổn định tỷ giá; điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng; các ngân hàng thương mại dứt khoát không được huy động vàng, cho vay vàng; không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chú trọng giải quyết để giảm nhanh nợ xấu.

Tại phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, trước hết cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả công tác mở rộng thị trường truyền thống để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

Bên cạnh đó, tập trung mạnh vào tìm kiếm cơ hội thu hút FDI; đưa công nghệ mới vào sản xuất, gắn với tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… Tiếp tục vận động ODA cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cho giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc sức khỏe, Giáng sinh an lành, hạnh phúc tới toàn thể các vị mục sư, tu sĩ và tín đồ Tin lành. Ảnh: VGP

* Nhân dịp Giáng sinh 2013 và Năm mới 2014, tới thăm Tổng giáo phận TPHCM, Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam miền Nam và một số giáo xứ phía Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các giáo phận, các chức sắc, linh mục cùng giáo dân một mùa Giáng sinh an lành và đón năm mới 2014 nhiều thành tích, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và giáo phận nhiều hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, với uy tín của mình, các vị chức sắc, hồng y, linh mục tiếp tục có nhiều đóng góp cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo vì sự phát triển của đất nước, đồng thời khẳng định Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận những công lao đóng góp của đồng bào các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

* Trong tuần, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ nhiều tàu vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xâm nhập trái phép vào Việt Nam và Ban Chỉ đạo 138 Bình Dương về thành tích trấn áp tội phạm có tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”. Ảnh: VGP

 *Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo quốc tế: “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát tài chính nâng cao trách nhiệm trong nhận định rõ rủi ro, xử lý các vấn đề phát sinh để lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Cùng với đó, việc xây dựng mô hình giám sát tài chính hiệu quả cần tiếp tục được thực hiện cả trước mắt và lâu dài để có thể khuyến cáo kịp thời việc tránh những rủi ro tài chính.

*Tại Hội nghị Tổng kết 10  năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động KHCN giữa Bộ Quốc phòng và Bộ KHCN Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần tận dụng những thế mạnh của Việt Nam trong hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao KHCN với các đối tác nước ngoài; xác định những công trình nghiên cứu dài hạn; những sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư, nghiên cứu, phát triển…

* Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện lần 2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có tư duy khoa học, tỉnh táo để tìm những giải pháp tốt nhất khắc phục bất cập, hạn chế hiện nay của ngành Y tế.

Phó Thủ tướng đề nghị trước những đòi hỏi ngày càng cao của người dân trong công tác khám, chữa bệnh, cùng những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, đòi hỏi ngành Y tế cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm nhưng trước hết bằng tư duy khoa học, tỉnh táo để tìm lời giải tốt nhất, ít tác dụng phụ nhất để giải quyết các vấn đề lớn của ngành Y tế.

Cụ thể là vấn đề cân đối giữa đầu tư, xây mới BV và công suất sử dụng giường bệnh, nhất là tại những BV mới được đầu tư; vấn đề phân bổ bác sỹ không đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; giải pháp để thu hút nguồn lực xã hội hóa y tế trong BV, đồng thời, đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế… Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch hóa, công khai chi phí điều trị cho người bệnh, có được những loại thuốc điều trị phù hợp nhất với chi phí thấp nhất; các bộ, ngành, địa phương cần ủng hộ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Y tế trong các lĩnh vực: Y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, hoạt động của các BV…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện lần 2, sáng 18/12. Ảnh: VGP

 “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là công việc chúng ta đã làm hàng chục năm; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, song cũng cần kiên trì, quyết liệt, khoa học, bài bản hơn, với trách nhiệm cao nhất và tấm lòng biết ơn vô hạn các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 1237).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, các quân đoàn, quân khu… tổ chức quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện cho tốt các văn bản chỉ đạo về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Lưu ý việc thu thập thông tin phải chặt chẽ, có căn cứ, cơ sở khoa học rõ ràng, huy động sự tham gia của các nhà khoa học trong công tác giám định, xác minh hài cốt liệt sĩ… Đồng thời, công tác quy tập phải được tiến hành bài bản và giao cho lực lượng quân đội, không để tự phát.

Phát biểu khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 tại Hạ Long, Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng so với các loại hình báo chí khác, truyền hình có một lợi thế vượt trội. Đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các kỹ thuật liên quan đến xử lý âm thanh, hình ảnh, truyền dẫn, thiết bị đầu cuối, truyền hình có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng. Vì vậy, những người làm truyền hình có trách nhiệm ngày càng cao.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Những người làm truyền hình phải chủ động, không ngừng đổi mới để không mất đi lợi thế của mình trước các phương tiện truyền thông khác, nhất là phương tiện truyền thông mạng, và ngược lại phải biến nó thành cánh tay nối dài, bổ trợ cho sự lớn mạnh của truyền hình”.

Tại “Diễn đàn Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ tư vấn đến chính sách”,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần ứng dụng tối đa KHCN vào xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi cá nhân.

Để xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án xã hội học tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề: Xã hội học tập có những đặc trưng gì; chỉ tiêu nào để đánh giá hay thế nào là học tập suốt đời; chủ thể, đối tượng trong xã hội học tập… Bên cạnh đó, là nhận diện những khó khăn, cản trở, vướng mắc đối với việc xây dựng xã hội học tập từ nguồn lực đến nhận thức, cơ chế, chính sách đánh giá trình độ nhân lực…

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đang đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của chúng ta lên một tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao hơn về tranh thủ thời cơ chiến lược và sức mạnh thời đại cho phát triển đất nước cũng như giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường ổn định khi hội nhập sâu và toàn diện với khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28. Ảnh: VGP

* Tại phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị Tham tán thương mại 2013, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nền kinh tế nước ta về cơ bản đã vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng, trong đó, vai trò của kinh tế đối ngoại đóng vai trò quan trọng. Kim ngạch thương mại với các đối tác lớn đều tăng so với các năm trước, bước đầu khắc phục tình trạng nhập siêu; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trở lại từ năm 2012; cam kết viện trợ phát triển vẫn được duy trì ở mức cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng.

Hai năm qua, chúng ta đã vận động thêm được 14 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường; kịp thời vận động, đấu tranh chống các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người lao động trong các vụ kiện chống bán pháp giá, chống trợ cấp, v.v.

Theo : Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *