Hoạt động ngoại giao tháng 10 đánh dấu sự đóng góp năng động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và nỗ lực tăng cường quan hệ song phương với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali, Indonesia

Tăng cường liên kết khu vực

Từ ngày 6-8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali, Indonesia, đánh dấu 15 năm Việt Nam trở thành thành viên năng động, có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu về “Tăng trưởng bền vững gắn liền với an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng,” được xem như một thách thức và vấn đề cốt lõi của tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ 21.

Hội nghị cấp cao APEC quyết định Việt Nam là Chủ tịch Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017. Đây sẽ là lần thứ hai Việt Nam được tín nhiệm giao trọng trách là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC, tiếp theo thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2006.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp gỡ song phương với một số lãnh đạo APEC như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand John Key. Nhân dịp này, hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia thay mặt Chính phủ 2 nước ký kết Chương trình hành động giai đoạn 2014-2018 triển khai quan hệ đối tác chiến lược.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN dự Hội nghị Cập cao ASEAN lần thứ 23, Bandar Seri Begawan – Ảnh: Chinhphu.vn/Nhật Bắc

Ngày 8-10/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, nêu bật những nhiệm vụ ưu tiên, quan điểm, định hướng liên quan đến 3 nội dung lớn là: Xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2015; vai trò trung tâm và quan hệ đối ngoại của ASEAN; về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Bên lề các hội nghị, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã hội kiến với Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Australia Tony Abbott, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt binh trong lễ đón tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: AFP

Quan hệ Việt-Trung thời kỳ mới

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức nước ta từ ngày 13-15/10/2013. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kể từ khi nước này có ban lãnh đạo mới, hơn một tháng kể từ sau cuộc hội đàm giữa người đứng đầu chính phủ hai nước vào tháng 9 vừa qua.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời kỳ mới, trong đó nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.”

Ngoài ra, hai bên cũng ký kết Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia”; “Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới”; “Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam”; “Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu” và Nghị định thư kèm theo; “Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ”; “Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”; “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội” và một số văn kiện hợp tác kinh tế.

 

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rosen Plevneliev duyệt đội danh dự

Việt Nam-Bulgaria hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống nước Cộng hòa Bulgaria Rosen Plevneliev thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27-31/10.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Tổng thống Plevneliev nhận định “Một trong những hướng để phát triển quan hệ kinh tế giữa Bulgaria và Việt Nam là biến Bulgaria thành điểm đến của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang khu vực Balkan và EU”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Rosen Plevneliev đã có cuộc hội đàm, ra Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria, kèm theo “Mô hình hợp tác kinh tế mới”, coi đây là phương tiện để đạt được mục tiêu hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai.

Hai nguyên thủ quốc gia cũng chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác song phương: bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Bulgaria; Bản ghi nhớ hợp tác về trao đổi thông tin giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Bulgaria; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện khoa học công nghệ tàu thủy Việt Nam và Viện Kim loại khoa học Bulgaria.

Thúc đẩy hợp tác song phương

Giữa tháng 10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin trong chuyến công du tới Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo và nông nghiệp.

Ngày 22/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Dầu mỏ Nhà nước Kuwait Mustafa Al- Shemali có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam và dự Lễ khởi công xây dựng Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất và vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Cộng hòa Costa Rica Jose Enrique Catillo Barrantes và Đặc phái viên của Tổng thống Nga về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa Mikhail Shvydkoi cũng sang thăm Việt Nam trong tháng 10.

Tháng 10 còn diễn ra các hoạt động đối ngoại khác như: Phiên thảo luận chính trị Việt Nam-Uruguay lần thứ nhất (3-5/10); Kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga vê hợp tác kỹ thuật quan sự (10/10); Tham vấn chính trị thường kỳ hai nước Việt Nam- LB Nga (15/10); Tham vấn chính trị Việt-Bỉ cấp thứ trưởng ngoại giao (15/10); khóa họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-LB Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật lần thứ 16; Đối thoại chiến lược Việt-Anh lần thứ ba lại London (23/10); Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt-Mỹ tại thủ đô Washington D.C (28-29/10).

Đặc biệt trong tháng 10, lãnh đạo cấp cao các nước Lào, Campuchia, Algeria, Mozambique cùng nhiều đoàn khách quốc tế đã tới Hà Nội tham dự lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất của thế kỷ 20.

Lãnh đạo các nước, các chính đảng và bạn bè trên thế giới cũng gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam thư, điện chia buồn và dự lễ viếng trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại các Sứ quán và Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài./.

Hương Giang/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *