(kontumtv.vn) – Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng có nhiều hoạt động, tham dự những sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng, tiếp tục khẳng định sự kiên định, nhất quán của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH hội ổn định, bền vững, vững chắc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Phát biểu trước đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu kiên định, nhất quán của Việt Nam là quyết tâm xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, tự chủ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng cho biết 5 nhóm giải pháp lớn trong định hướng điều hành KTXH, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hình thức đối tác công-tư (PPP); bảo đảm và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân, cũng như quyền dân chủ của người dân thông qua các tổ chức tự nguyện và hợp pháp của mình.

Và đặc biệt, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, các doanh nghiệp, người nước ngoài đang công tác, làm việc, học tập, làm ăn sinh sống ở Việt Nam.

* Dự Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4 (khóa XI), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đưa doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động nông thôn. Đồng thời phối hợp tốt trong bảo vệ, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển nghiệp đoàn nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

* Tại Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thị sát việc đóng tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781, dự kiến sẽ bàn giao trong tháng 6 này. Trong buổi làm việc, Thủ tướng đã quyết định cho đóng thêm 4 chiếc tàu tương tự, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn của lực lượng kiểm ngư lên 6 chiếc và thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung khác. Như vậy, trong tương lai gần lực lượng kiểm ngư sẽ có hơn 50 tàu hiện đại.

* Dự “Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là khu vực có vị trí địa kinh tế-chính trị chiến lược quan trọng của đất nước, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông trong giao thương với khu vực và thế giới. Vì vậy, cần phân tích, làm rõ các tiềm năng, thế mạnh của vùng, từng địa phương; những khó khăn trong phát triển KT-XH để từ đó hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch vùng, tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế.

Trong đó, vùng duyên hải miền Trung cần đặc biệt chú ý vấn đề tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai, công tác đào tạo nguồn nhân lực, việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngư dân bám biển trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn phát triển khu vực duyên hải miền Trung. Ảnh VGP/Lê Sơn

* Làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc tập trung ưu tiên cho phát triển huyện Bảo Lâm-địa bàn khó khăn nhất tỉnh Cao Bằng hiện nay, có những chính sách, mục tiêu cụ thể để thúc đẩy cho Bảo Lâm từng bước phát triển.

* Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh điều này tại Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 cùng lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong những ngày này, đất nước ghi nhận, tôn vinh những cống hiến, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển, đồng bào và ngư dân – những người mang truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc đang ngày đêm kiên cường bám biển, giữ biển, vững vàng nơi đầu sóng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thay mặt Chính phủ Việt Nam cảm ơn và các tổ chức, cá nhân, các quốc gia yêu chuộng hòa bình, công lý tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng luật pháp quốc tế. Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm

* Dự Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2014 với chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những hành động thiết thực góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường. “Mỗi công dân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chung sức chung lòng, bằng những hành động đấu tranh khoa học vì nền hòa bình để bảo vệ, gìn giữ và khẳng định chủ quyền quốc gia, cùng hiến kế các giải pháp để quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường bền vững, nhất là tài nguyên và môi trường biển đảo”, Phó Thủ tướng kêu gọi.

* Chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ quan điểm hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ: “Tàu vỏ sắt được hỗ trợ nhiều hơn tàu làm bằng vật liệu khác, đồng thời tàu có công suất càng lớn thì nhận nhiều hỗ trợ hơn tàu công suất nhỏ”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tập trung đầu tư, khuyến khích sự phát triển của loại hình tàu dịch vụ nghề cá xa bờ để tiết kiệm chi phí cho ngư dân trong mỗi chuyến đánh bắt. Loại tàu này sẽ cung cấp nhiên liệu, đá ướp lạnh, thu mua hải sản cho tàu đánh bắt của ngư dân ngay tại ngư trường.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển thủy sản

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT nghiên cứu tiêu chí của loại tàu hậu cần nghề cá để áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư, đồng thời xác định đối tượng (thương lái, người am hiểu nghề đi biển hay Nhà nước) sẽ tham gia vào lĩnh vực này.

Nguyên Linh (tổng hợp)/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *