(kontumtv.vn) –  Chủ trì, quyết định nhiều vấn đề  “nóng” trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7; dành nhiều thời gian trao đổi với giới khoa học, trí thức; chỉ đạo những giải pháp lớn trong đời sống… là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình trên các lĩnh vực trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tốt, nhưng cũng lưu ý: “Nếu chúng ta phấn đấu không quyết liệt thì khó đạt được tăng trưởng 5,8%”.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần không điều chỉnh bất cứ mục tiêu, chỉ tiêu nào đã được đề ra cho năm 2014. Một mặt thúc đẩy sản xuất, mặt khác tiếp tục phát huy những kết quả tốt đạt được trong kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, quyết liệt tái cơ cấu, cải cách hành chính, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

Hàng loạt vấn đề “nóng” đang được dư luận và nhân dân quan tâm đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, gồm: Giao Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao theo dõi sát diễn biến tình hình chiến sự Libya, chuẩn bị các phương án nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam; giao rà soát, ưu tiên bố trí vốn để sớm triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Chương trình 167 và xây dựng nhà ở chống lũ cho người dân miền Trung (tính toán ban đầu thì sẽ có hơn 600.000 hộ được xem xét, hỗ trợ); giao sớm có văn bản tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp cụ thể trong chính sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; về sớm công bố tổ chức một kỳ thi chung quốc gia; về cơ chế, chính sách để đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao; yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các nhóm tội phạm bảo kê xe quá tải; các đối tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, thuốc lá,…

* Tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (KHKT), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học vào thành tựu phát triển mọi mặt của đất nước. Chính phủ hết sức ủng hộ, phối hợp và sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tiếp tục phát triển và phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí của mình, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách cũng như chức năng giám định xã hội, tư vấn, phản biện xã hội trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

“Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức chú ý lắng nghe, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến; càng phát huy dân chủ, càng nghe được nhiều ý kiến, càng tranh luận thì việc tiếp cận chân lý càng tốt, càng hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

* Phát biểu tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ở Việt Nam, giáo dục đào tạo và KHCN được xác định là quốc sách hàng đầu. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển và trọng dụng những tài năng KHCN, trong đó có những tài năng về Hóa học.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp thân mật Giáo sư Ngô Bảo Châu và Nhóm đối thoại giáo dục, đánh giá cao tình cảm, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học đối với đất nước, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, tập trung đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học và đề nghị Giáo sư Ngô Bảo Châu và Nhóm đối thoại giáo dục tiếp tục tư vấn, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục, đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ hết sức quan tâm và tạo điều kiện để Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phát triển.

* Tại cuộc họp với các Bộ GTVT, Bộ Công an, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải điều tra, xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, tham nhũng tại các trạm cân; hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê xe quá tải, quá khổ.

Bộ Công an lập chương trình công tác lập lại trật tự về vấn đề này, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nghiên cứu đưa ra những phương án phòng ngừa tiêu cực tại tất cả các trạm cân; tổ chức xử lý ngay một số vụ việc nổi cộm, chỉ đạo công an địa phương cùng tham gia kiểm tra việc chống tham nhũng, tiêu cực tại trạm cân; chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng “cò” dẫn xe vượt trạm, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ tiêu cực. Bộ GTVT xây dựng phương án tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm thanh tra giao thông, cán bộ trạm cân để xe quá tải vượt trạm.Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định về phát triển KT-XH, an ninh trật tự, GPMB Quốc lộ 1…

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức để doanh nghiệp và người dân tiếp cận các thủ tục hành chính thực sự hiệu quả. Về công tác GPMB, phải có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của cả tỉnh, bởi đây là yêu cầu cấp bách của cả nước nói chung và của Bình Định nói riêng. Tiến hành cưỡng chế hộ dân nào không di dời và xử lý nghiêm người nào chống đối, chây ỳ.

* Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, tiếp tục rà soát, đôn đốc công tác vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những vấn đề vướng mắc, hạn chế đến nay trong lĩnh vực ODA vẫn chậm được khắc phục, từ vấn đề giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế, tăng tổng mức đầu tư, thay đổi nhân sự, kế hoạch đấu thầu, vốn, tạm ứng vốn…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 ứng xử “cần kiên quyết hơn nữa”: Kiên quyết trong việc đưa vào danh sách đen các nhà thầu, dự án yếu kém dẫn đến chây ỳ, chậm trễ trong triển khai để tuyệt đối không cho tham gia các gói thầu khác; kiên quyết hơn trong đánh giá năng lực các Ban quản lý, trường hợp yếu kém không giao dự án mới; và kiên quyết hơn trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế theo hướng đơn giản hóa, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ.

* Các bộ, ngành, hiệp hội liên quan sẽ triển khai xây dựng các Đề án với những cơ chế đặc thù để đẩy mạnh phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, hàm lượng tri thức và công nghệ cao như hàng không, logistics, công nghệ thông tin, y tế, du lịch… Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ này khi chủ trì cuộc họp về Đề án đẩy mạnh phát triển một số ngành dịch vụ theo nội dung triển khai Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020.

Theo Phó Thủ tướng, việc lựa chọn một số ngành dịch vụ mũi nhọn, có tiềm năng lớn để xây dựng cơ chế thúc đẩy ưu tiên là cần thiết, song cũng không nên xây dựng hay đưa ra một cơ chế chung chung, vừa không cụ thể, bao quát được đặc thù của mỗi lĩnh vực mà còn có thể trùng với Chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể của cả khu vực dịch vụ đã được thông qua.

* “Chúng ta luôn tự hào là Việt Nam có ngành hàng không rất an toàn, nhưng lúc này đang có nhiều dấu hiệu, nguy cơ đe dọa hình ảnh ấy” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu ra tại cuộc họp Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia diễn ra trong thời điểm đặc biệt, tình hình phức tạp của an ninh chính trị, an ninh hàng không thế giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các biện pháp quyết liệt để làm thay đổi, chuyển biến tình trạng các vụ việc vi phạm an ninh hàng không, các sự cố an toàn của hàng không Việt Nam có dấu hiệu gia tăng; không để tiếp tục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến quá nhiều, gây bức xúc cho người dân, hành khách như thời gian qua.

* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã tới thăm một số địa bàn xây dựng nông thôn mới, thăm và làm việc tại Cụm khí- điện- đạm Cà Mau trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Thăm Cụm công nghiệp khí-điện-đạm, Phó Thủ  tướng cho rằng Cụm dự án vẫn còn nhiều tiềm năng, cần tiếp tục nỗ lực khai thác, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa, nhất là việc sắp tới sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần trong năm nay.

Thăm và làm việc về xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của địa phương, nhất là xóa đói giảm nghèo. Đồng thời lưu ý, để xây dựng nông thôn mới thành công thì địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

* Tại hội nghị triển khai năm học mới của Bộ GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đất nước không thể phát triển nhanh hơn nếu tất cả không đổi mới mà trước tiên là ngành giáo dục với trách nhiệm chuẩn bị nhân lực cho tương lai, cho đổi mới.

Theo Phó Thủ tướng, việc chỉ còn một kỳ thi quốc gia gắn với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ) phải được tính toán kỹ, làm rõ với dư luận, xã hội mặt lợi, mặt hại.

Phó Thủ tướng tán thành cao với quyết định đưa ngoại ngữ trở lại danh sách môn thi bắt buộc trong cả 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, coi đây là thông điệp cho toàn xã hội, rằng từ nay, ngoại ngữ quan trọng không kém Toán, Văn.

* Đồng chủ trì  phiên họp thứ 6 Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy tăng cường quan hệ giữa hai nước, triển khai những kết quả, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt là kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3/2014.

Hai bên nhất trí tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua triển khai giai đoạn 5 Sáng kiến chung Việt-Nhật về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam; trao đổi các biện pháp thúc đẩy thương mại, trong đó có các mặt hàng nông sản, đồng thời hoan nghênh những tiến triển trong hợp tác nông nghiệp trong thời gian vừa qua.

Về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông là trách nhiệm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; các bên liên quan cần thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và tuân thủ nghiêm túc tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *