(kontumtv.vn) – Thống nhất chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng còn lại của năm, các quyết sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong xây dựng, phòng chống tham nhũng… là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 8/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong 4 tháng còn lại của năm 2014 phải kiên định mục tiêu tổng quát và nỗ lực để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các nhiệm vụ, tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển và tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Lãnh đạo và các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 8 tháng đầu năm là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc hơn; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cả năm là 5,8%. Thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế, trong đó chú ý vào việc tăng dư nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; thúc đẩy giải ngân đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội; giảm quá tải bệnh viện; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, Thủ tướng cho rằng mục tiêu tổng quát là phải tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô; tính toán kỹ, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt mức khoảng 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); bội chi khoảng 5%; chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,7-2%…

* Trong phiên họp kỳ này, Chính phủ tập trung thảo luận, đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo:

– Về cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục đích cuối cùng của chủ trương này là để tạo khâu đột phá nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải đi liền với quản lý Nhà nước, không được buông lỏng; các chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo cần phải được quan tâm.

Chính phủ thống nhất ra nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội. Các trường ĐH khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ GDĐT phê duyệt.

– Chính phủ thống nhất trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình, SGK trên tinh thần được Thủ tướng nêu rõ là phải làm rõ những điểm then chốt, có tính thuyết phục cao đối với một số nội dung: Nguyên tắc, nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí. Việc đổi mới chương trình sẽ tách riêng với đổi mới SGK. Chương trình ở bậc giáo dục phổ thông được tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, ban hành chương trình chuẩn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Trong phiên họp Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành. Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.

* Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, thay mặt Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ nhận thức rõ đòi hỏi về dân chủ, pháp quyền của nhân dân, của xã hội là đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan và cũng là xu thế của thời đại. Yêu cầu đặt ra phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phải xây dựng cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mạnh.

Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã hết sức cố gắng trong quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác tư pháp, cải cách tư pháp. “Tinh thần chung của Chính phủ sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quán triệt chủ trương của Trung ương, Hiến pháp, pháp luật, nỗ lực, cố gắng phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm, phấn đấu làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác tư pháp, cải cách tư pháp”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác xử lý giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân; chỉ đạo, nghiên cứu để sớm có đội ngũ luật sư công hỗ trợ tư pháp giúp cho người dân đi khiếu kiện và kể cả hỗ trợ cho chính quyền trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc…

* Nhân kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9, tối 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã chủ trì tiệc chiêu đãi các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân các nước, các đối tác và bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam sự tin cậy, sẻ chia, ủng hộ quý báu và sự hợp tác có hiệu quả trong suốt thời gian qua.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng vai trò cao cả và quan trọng của các bạn trên cương vị Đại diện của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Các bạn là những nhịp cầu kết nối đất nước, tổ chức của các bạn với Việt Nam chúng tôi. Tôi rất mong các bạn tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò và sứ mệnh đặc biệt của mình”, Thủ tướng bày tỏ với các vị đại sứ, đại diện ngoại giao.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì công bố kế hoạch kiểm tra với Ban cán sự Đảng Bộ NNPTNT về công tác phòng, chống tham nhũng.

Phó Thủ tướng biểu dương sự chuẩn bị tích cực của Ban Cán sự Đảng Bộ NNPTNT trong làm việc với Đoàn kiểm tra. Coi đây là dịp đánh giá tình hình công tác phòng, chống tham nhũng, khắc phục những yếu kém, đem lại niềm tin cho cán bộ, công chức và nhân dân đối với Bộ đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ NNPTNT. Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra sẽ công bố kết quả kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ NNPTNT vào cuối giữa cuối tháng 10/2014.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát công trình Nhà Quốc hội – Ảnh VGP/Nguyên Linh

* “Các đơn vị tiếp tục tăng cường nhân lực trên công trường, duy trì 3 ca và hết sức chú ý từng chi tiết chất lượng để đảm bảo không có sự cố đặc biệt nảy sinh trong quá trình chạy thử công trình”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh điều này trong buổi kiểm tra, thị sát công trình Nhà Quốc hội.

Các hạng mục đang là “đường găng” mà quá trình kiểm tra thị sát chỉ ra cũng cần tập trung thi công, lấy lại tiến độ như phần cửa, đá lát, phòng họp chính, phòng họp báo… để đảm bảo hoàn thành xây lắp cuối tháng 9 công trình như kế hoạch đã đề ra.

* Việt Nam luôn nỗ lực cùng Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ quốc tế nâng cao năng lực, đẩy mạnh đầu tư trong vấn đề thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu khi chủ trì cuộc hội đàm cấp cao với phái đoàn Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch WB dẫn đầu.

Phó Thủ tướng khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và những nỗ lực trong triển khai và kết quả quan trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam với với tư cách một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của nguy cơ toàn cầu này. Các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp thu các khuyến nghị, hiện thực hóa các trao đổi hợp tác để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh hiệu quả tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tăng danh hiệu Sao đỏ cho doanh nhân trẻ. Ảnh: VGP/Thành Chung

* Dự Lễ và trao Giải thưởng Sao Đỏ – 100 doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu là những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ Doanh nhân mới, năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết.

Theo Phó Thủ tướng, nền kinh tế thế giới đang có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chứa nhiều yếu tố bất ổn, kinh tế trong nước đang dần phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Do đó, đây là thời điểm đòi hỏi những doanh nhân trẻ Việt Nam phải hết sức nỗ lực trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp… để trụ vững, từng bước phát triển vững chắc và tận dụng tốt những cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Nguyên Linh (tổng hợp)/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *