Chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt phòng chống bão, nhất là cơn bão số 14 (tên quốc tế là Haiyan); công bố Ngày Pháp luật Việt Nam và các chỉ đạo quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, phòng chống tham nhũng, nhà ở,… là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 8/11 với các Bộ, ngành và địa phương bàn biện pháp phòng chống bão HaiYan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Trước các cơn bão số 12, 13, 14 dồn dập ảnh hưởng đến nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo kịp thời cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, quân đội, công an và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó. Chính phủ đã cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải trực tiếp vào miền Trung chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Ngày 8/11, triệu tập cuộc họp khẩn về phòng chống siêu bão nhiệt đới Haiyan (sau là bão số 14 trên Biển Đông), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị, bằng tất cả các giải pháp để chủ động ứng phó với bão, giảm thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Công tác chuẩn bị cần được tiến hành khẩn trương với tinh thần cảnh giác cao nhất, đặc biệt là việc thông tin, phổ biến tới người dân về diễn biến khó lường, nguy hiểm của cơn bão, từ đó hỗ trợ tối đa nhân dân trong việc sơ tán, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Chính phủ đã cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vào các địa phương miền Trung trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão (từ ngày 8/11), trong đó đặc biệt chú trọng việc kiểm tra công tác phòng chống, bảo vệ các công trình xung yếu, hệ thống hạ tầng, chỉ đạo các phương án, biện pháp chống bão cho địa phương và công tác di dời dân tới nơi an toàn.

* Dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá đây là sự kiện quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-Bắc Phi với những lợi thế và tiềm năng to lớn có thể bổ trợ cho nhau để hợp tác cùng phát triển.

Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn sẽ tạo thêm động lực và những đột phá mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai bên,, cung cấp thông tin về những lĩnh vực ưu tiên, các biện pháp thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của mỗi nước, tìm ra các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, xây dựng các định hướng, biện pháp nâng cao và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa và du lịch.

* Chiều 8/11, tiếp Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Helen Clark đang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam coi UNDP là một đối tác phát triển quan trọng, đã có nhiều đóng góp thiết thực, hỗ trợ giải quyết xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ…Việt Nam mong muốn UNDP tiếp tục phát huy vai trò trung tâm được Liên Hợp Quốc giao, tăng cường các hoạt động hợp tác phát triển tại Việt Nam, trong đó tập trung vào huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình, hoạt động của UNDP trong Văn kiện chung Chương trình hợp tác quốc gia giai đoạn 2012-2016, hỗ trợ Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tăng cường năng lực và thể chế thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trước đó, trong phiên khai mạc Hội nghị quản lý của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ mong muốn Hội nghị sẽ thảo luận, đánh giá các kế hoạch đang triển khai, chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình thực hiện ở mỗi quốc gia, từ đó đề xuất biện pháp thúc đẩy kế hoạch chiến lược của UNDP trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh thời hạn thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ vào năm 2015 đã cận kề.

* Công bố lấy ngày 9/11 hằng năm là “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những tiến bộ quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, thể chế hoá, đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên cá lĩnh vực, giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ CNH – HĐH đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, Thủ tướng nêu rõ cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc tổ chức Ngày Pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước.

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta đang định cư, sinh sống ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng. Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra thực trạng nhiều vụ án tham nhũng kéo dài do công tác giám định kéo dài, kết luận giám định “đá” nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tố tụng của vụ án. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập còn chậm trễ. Vì vậy, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng chương trình hành động cụ thể triển khai Luật Giám định tư pháp thực sự đi vào cuộc sống. Tập trung thực hiện công tác giám định đối với các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp hiện nay.

* Tiếp đoàn người có công tỉnh Kiên Giang đang thăm Thủ đô Hà Nội,, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn đến người có công và gia đình chính sách đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các gia đình chính sách, người có công trong cả nước và đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa đến đời sống gia đình chính sách, người có công luôn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức của người dân địa phương.

* Trước tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội đã trở thành vấn nạn đối với người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân và đang diễn ra ở hầu hết các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa có buổi làm việc, chỉ đạo Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, tăng nặng mức xử phạt, đưa quy định xử lý hình sự với mức độ phù hợp đối với hành vi trốn đóng BHXH. Phó Thủ tướng cũng giao Thanh tra Chính phủ năm 2014 tổ chức nhiều đợt thanh tra chuyên ngành về thực hiện BHXH, BHYT trên toàn quốc.

* Chủ trì hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý Nhà nước hành nghề y dược ngoài công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành Y tế phải rà soát lại các văn bản quản lý, trong đó sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực y tế, trong đó có y tế tư nhân, hướng dẫn quy định về 2 loại dịch vụ  spa và chăm sóc sức khỏe, về quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế cũng cần rà soát việc phân cấp quản lý, sớm ban hành bộ chỉ tiêu xếp hạng, đánh giá cơ sở y tế ngoài công lập (trong quý I/2014) căn cứ vào khả năng bảo đảm chất lượng, trình độ khám chữa bệnh của các cơ sở đó để họ thu hút bệnh nhân đúng với năng lực và có thể có mức trả BHYT phù hợp với mức xếp hạng. Thực hiện yêu cầu 4 công khai đối với cơ sở y tế tư nhân gồm: Mục tiêu hoạt động, nhân lực, giá cả, có địa chỉ cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở y tế tư nhân.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp BCĐ quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (BCĐ 1237). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước-nhớ nguồn”, là trách nhiệm, tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đối với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng tâm linh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cơ quan quản lý Nhà nước không căn cứ vào thông tin, kết quả tìm kiếm của nhà ngoại cảm để quy tập hài cốt liệt sĩ.

* Dự lễ khởi động “Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mục tiêu của dự án, phù hợp với mong muốn của Chính phủ VIệt Nam trong việc đưa các chương trình hỗ trợ đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, tập trung hỗ trợ để họ có thể tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao về nông nghiệp, KHCN và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống.

* Trong buổi làm việc với Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam về chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu và thức ăn chăn nuôi,  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân chuẩn bị nội dung hợp tác với Bộ NNPTNT trong việc giám sát thị trường vật tư nông nghiệp, tăng cường tổ chức tập huấn cho người nông dân, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vật tư nông nghiệp giúp đem lại hiệu quả cao hơn trong quá trình nuôi trồng, sản xuất. Giao Bộ Công Thương trong tháng 12/2013 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án ngăn chặn vận chuyển, sản xuất và kinh doanh phân bón giả trên thị trường.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc, cho ý kiến về nguồn vốn thực hiện Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đồng thời, đề nghị các các ngành, địa phương phải thực sự quan tâm tới phổ cập mầm non 5 tuổi, khắc phục tình trạng còn chậm trễ ở nhiều nơi.

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có kết quả đánh giá, cảnh báo rõ những điểm nguy cơ lũ quét và trượt lở đất đá cho người dân cũng như chính quyền địa phương.  Đặc biệt là sớm công bố, phổ biến ngay tới người dân những kết quả đánh giá bước đầu, trong đó “điểm danh” cụ thể những khu vực, vị trí có nguy cơ cao, đông dân cư hay có công trình hạ tầng quan trọng cùng với các cấp độ nguy hiểm giúp người dân, chính quyền có được sự cảnh báo, biện pháp đề phòng, ứng phó hiệu quả với các thiên tai ngày càng tiêu cực và khó lường hiện nay.

* Trước tình hình, kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi 30.000 tỷ đồng đang rất khiêm tốn, mức giải ngân và số đối tượng thụ hưởng chưa đáp ứng mục tiêu của một chính sách quan trọng, cấp bách cũng như đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân hiện nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp, chỉ đạo Bộ Xây dựng và các địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội, kiên quyết đảm bảo quỹ đất 20% theo quy định cho loại hình nhà ở này. Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, giám sát khối lượng, khảo sát từng dự án cũng như đối tượng thụ hưởng, nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh để việc triển khai dự án thuận lợi, đúng mục tiêu và hỗ trợ hiệu quả cho việc vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng.

Đối với vấn đề thủ tục xây dựng, vay vốn, nhanh chóng ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vấn đề về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, hướng dẫn một số thủ tục liên quan đến vay vốn, trả nợ của khách hàng để thống nhất áp dụng trong hệ thống. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, phân loại các dự án để điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở để phù hợp với nhu cầu thị trường và nguồn lực xã hội.

* Từ ngày 5 đến ngày 8/11, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ sang thăm, làm việc tại Cộng hòa Singapore theo lời mời của Chương trình “Người bạn của S.R Nathan”.

Trong chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gặp, làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành của Singapore, Quỹ đầu tư Temasek Holdings, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore, Cơ quan Quản lý Casino của Singapore.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng tới chào xã giao Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Chuyến thăm và làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Singapore tiếp tục nhằm tăng cường việc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, qua đó, làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau theo nội hàm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore./.

Theo : Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *