(kontumtv.vn) – Chủ trương hỗ trợ nông nghiệp, người trồng lúa, đôn đốc các dự án cơ sở hạ tầng, cơ chế mới cho giáo dục đại học, hệ thống pháp quy trong lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong xuất nhập cảnh… là những hoạt động chỉ đạo nổi bật của lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Tổng Liên đoàn cùng với Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tập trung chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cải thiện đời sống của người lao động. Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là một trọng tâm công tác để nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống của người lao động.

Theo đó, hai bên cần phối hợp rà soát cơ chế, chính sách, tạo các điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm lao động, sản xuất; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, cần tiếp tục các hoạt động hướng tới ngư dân, quan tâm hỗ trợ ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, nhất là hỗ trợ về phương tiện, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; không để xảy ra tình trạng ngư dân bám biển lại phải vay nặng lãi.

* Đồng ý chủ trương từ ngày 15/3 sẽ tổ chức thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo; dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, hỗ trợ nông dân; tạo mọi điều kiện đưa KHCN vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn… Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại TP. Cần Thơ.

Thủ tướng nêu rõ các địa phương trong vùng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích tối đa việc ứng dụng, đưa khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, cần tiếp tục phát huy những cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, tính toán, dự báo sát khả năng tiêu thụ nông sản trên thực tế, tránh trình trạng được mùa rớt giá. Triển khai hiệu quả việc giảm diện tích lúa cho năng suất thấp sang trồng cây hoa màu có thị trường hoặc chuyển sang trồng đậu tương, ngô phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.

* Tại Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, gần 40 năm qua, Việt Nam đã được sống trong hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề. Tình trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn hiện hữu ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển KTXH của đất nước, của mỗi địa phương và đã gây ra nhiều hậu quả thương tâm đối với cuộc sống của người dân.

Thủ tướng đánh giá cao, chân thành cảm  ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự  hợp tác tích cực, sự hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Hoa Kỳ với lương tâm và trách nhiệm của mình, đóng góp nhiều hơn, thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào việc tìm kiếm, rà soát, làm sạch, khắc phục hậu quả bom mìn còn lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

“Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân. Chúng ta hãy cùng nhau kiên quyết ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh, mọi cuộc xung đột vũ trang để các quốc gia, các dân tộc trên thế giới này không còn hậu quả đau thương do bom mìn còn lại sau chiến tranh gây ra”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

* Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 7 định hướng chính sách lớn mà Bộ luật Hình sự sửa đổi cần bám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đó là phải bảo đảm BLHS sửa đổi lần này có tính khả thi cao; được xây dựng trên tinh thần của Hiến pháp mới, thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị; tạo hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đặt ra cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt; luật hóa những quy định mang tính bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh liên quan phải chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác GPMB các dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn Thanh Hoá-Cần Thơ) và Dự án Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương.

Chủ trì cuộc họp lần thứ 3 kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, Phó Thủ tướng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo các tỉnh chưa chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác GPMB, tái định cư và bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Phó Thủ tướng cho rằng công tác xây dựng khu tái định cư cho người dân, việc giải ngân cho dự án còn thấp dẫn đến tiến độ chậm, các địa phương phải giải quyết thoả đáng quyền lợi chính đáng cho dân, đồng thời kiên quyết cưỡng chế, xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, chống đối, kích động nhân dân chống lại chủ trương của Đảng, Nhà nước.

* Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về việc triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi sẽ được thi hành kể từ ngày 1/7/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đôn đốc các bộ, ngành hữu quan đẩy nhanh việc hoàn thiện để trong tháng 4, tháng 5 lần lượt trình Chính phủ xem xét, ban hành các dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định về thu tiền sử dụng đất; Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

* Trực tiếp thị sát và trao đổi các vấn đề trong thi công, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của Hải Phòng, Đồng Nai – hai địa phương công nghiệp trọng điểm nằm trong vùng kinh tế năng động 2 đầu đất nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành và lãnh đạo 2 địa phương tạo điều kiện, tháo gỡ các vướng mắc để chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các dự án vào khai thác, sử dụng.

Các dự án hạ tầng quan trọng này bao gồm Cảng HKQT Long Thành, Cảng HKQT Cát Bi, Cảng quốc tế Lạch Huyện, một số dự án công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí trên địa bàn 2 địa phương.

* Chủ trì cuộc họp về xây dựng dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, vẫn có thể thiết kế Chương về DNNN tại dự Luật nhưng chỉ nên quy định vấn đề quản trị đặc thù chứ không quy định về quyền lợi cho DNNN.

“Ý tứ của quy định này là tiền của Nhà nước giao cho doanh nghiệp tiêu thì Nhà nước phải biết được số tiền đó được dùng có hiệu quả không? Do vậy, cần làm rõ những hoạt động nào của DNNN khác với các doanh nghiệp khác”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói thêm về việc có thể quy định một Chương riêng về DNNN tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

* Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu đến tháng 6/2014, Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các văn bản về thí điểm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường đại học để trình Chính phủ.

Đây sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của giáo dục đại học dần thoát khỏi sự bao cấp của Nhà nước, bước đầu áp dụng cho 4 trường thuộc Bộ GDĐT là Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

* Từ năm 2014, Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng NTM sẽ lấy việc ưu tiên đầu tư phát triển mô hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu kết luận chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM)

* Qua gần 20 năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai rộng khắp, toàn diện song vẫn cần xác định trọng tâm, trọng điểm để thực hiện có hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

* Tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) ngoài công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục đại học phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, không được phân biệt giữa các trường trong và ngoài công lập.

Theo Phó Thủ tướng, xã hội hóa khu vực giáo dục ngoài công lập mang lại rất nhiều lợi ích, quan trọng nhất là Nhà nước nhận ra rằng có những việc khu vực công lập dù muốn cũng không làm ngay được mà phải là trường ngoài công lập. Tuy nhiên, hướng tới bình đẳng cũng không có nghĩa là “cào bằng” giữa trường mới thành lập với trường đã có nhiều năm hoạt động. Do đó, cần ưu tiên nhất định đối với những trường mới thành lập. Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài chính, Bộ GDĐT phải chủ động tháo gỡ ngay các điểm còn bất hợp lý về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ.

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX phải trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, cho ý kiến cụ thể về thời gian tổ chức, quá trình hoàn thiện đề án, việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất… để đảm bảo Hội khỏe năm 2015 tổ chức tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa sẽ thành công,

* Tiếp đoàn đại biểu ngư dân, chiến sĩ tham dự Chương trình “Trái tim Biển đảo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có ngư dân, vươn lên làm giàu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước. Các bộ, ngành xem xét để có những sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện các chính hỗ trợ cho ngư dân hiệu quả hơn như: Đóng tàu, hỗ trợ tiền dầu, xây dựng điểm tránh trú bão, khu dịch vụ hậu cần nghề cá…

* Trong Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trái tim biển đảo” kêu gọi nhân dân cả nước chung tay góp sức giúp ngư dân ngày đêm vươn khơi, bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những đóng góp của các ngư dân, chiến sĩ, các tổ chức và cá nhân trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng việc tổ chức chương trình “Trái tim biển đảo” có nội dung rất thiết thực, phục vụ chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước về công tác biển đảo; khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân ta, đồng thời tôn vinh những tấm gương ngày đêm bám biển, góp phần khẳng định mạnh mẽ ý chí của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

* Người nước ngoài có thể thực hiện việc đăng ký và khai tờ khai thị thực trực tuyến tại website http://visa.mofa.gov.vn mà không phải đến cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để lấy tờ khai, đây là một trong những tiện ích của Dự án hệ thống quản lý cấp thị thực trực tuyến của Bộ Ngoại giao vừa chính thức khai trương sáng 14/3.

Bộ Ngoại giao cũng đã khai trương Trung tâm Dữ liệu nhằm tăng cường tự động hóa quy trình giải quyết công việc, cải cách hành chính; liên kết các đơn vị trong Bộ trên cùng một hạ tầng hệ thống mạng đồng nhất; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan bộ, ngành… Hồ sơ cấp thị thực sẽ được chuyển đến Trung tâm Dữ liệu để chia sẻ thông tin trong nội bộ Bộ Ngoại giao cũng như giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng hai dự án nói trên là bằng chứng thể hiện quyết tâm của Bộ Ngoại giao trong việc tăng cường cải tiến quy trình làm việc theo hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành. Việc tạo thuận lợi trong cấp thị thực sẽ góp phần thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài vào thăm và làm việc tại nước ta, qua đó thúc đẩy giao lưu nhân dân và đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nguyên Linh/chinhphu.vn (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *