(kontumtv.vn) – Dịp này, các đại biểu tiếp tục ký cam kết thực hiện Chiến dịch HeforShe (Vì những người phụ nữ quanh ta).
Trong khuôn khổ của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (IPU 132), chiều nay (29/3) diễn ra sự kiện bên lề: Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa nam và nữ trong bình đẳng giới”.
Hướng tới tầm nhìn Bắc Kinh, các đại biểu cho rằng: 20 năm qua, nhiều quốc gia đã đạt được những thành tựu trong xây dựng pháp luật về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính, bình đẳng giới trong giáo dục và các hoạt động kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, những rào cản đối với phụ nữ vẫn hiện hữu trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế xã hội. Tại nhiều quốc gia, nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được tiếp cận với giáo dục; ít được hưởng thụ các dịch vụ y tế. Tỷ lệ phụ nữ tham chính chưa đạt mục tiêu, hiện nữ nghị sỹ toàn cầu trong Quốc hội mới đạt 21,8%. Một trong những nguyên nhân là do quan hệ đối tác giới giữa nam và nữ chưa hiệu quả.
Để tiến tới bình đẳng giới một cách thực sự, quan hệ đối tác này cần phải được giải quyết hài hòa. Vấn đề này cũng đã được Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phát động thông qua Chiến dịch HeforShe (Vì những người phụ nữ quanh ta) vào tháng 9/2014 tại Mỹ.
Tại sự kiện hôm nay, nhiều đại biểu, trong đó có các nghị sỹ là nam giới đã bày tỏ quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện bình đẳng giới tại quốc gia mình.
Đại diện cho Việt Nam, ông Hà Minh Huệ, đại biểu quốc hội tỉnh Bình Thuận nêu ý kiến: “Tại Quốc hội, với tư cách là đại biểu nam đã tham gia 2 kỳ thì thấy đại diện của phụ nữ ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, mục tiêu số lượng đặt ra chưa đạt được. Hiện nay, mới có 24,4% nữ trong Quốc hội Việt Nam, so với mục tiêu đặt là là phải đạt tỷ lệ 30 đến 35%. Và khi thảo luận về tầm nhìn Bắc Kinh thì đỏi hỏi tỷ lệ này phải đạt 50-50 và vấn đề của nam giới thế nào để đạt mục tiêu đó. Còn về phía chúng tôi thì chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện Tầm nhìn Bắc Kinh được đưa ra 20 năm trước đây.”
Dịp này, các đại biểu tiếp tục ký cam kết thực hiện Chiến dịch HeforShe (Vì những người phụ nữ quanh ta).
Bà Lasagabaster-Quyền Giám đốc cơ quan chính sách phụ nữ của Liên Hợp Quốc kêu gọi: “Chúng ta phải có kế hoạch dài hạn với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội vì sự bình đẳng giới. Theo đó, bất kỳ chương trình nào cũng phải lồng ghép bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ, không chỉ tăng quyền phụ nữ trong Quốc hội, phải có chiến dịch, hỗ trợ tài chính để tuyên truyền vai trọ của phụ nữ. Chúng ta cũng phải loại bỏ định kiến trong xã hội, như phụ nữ phải lo việc gia đình không tham gia xã hội được. Những quan niệm cố hữu đã cản trở cơ hội thăng tiến của phụ nữ trong đời sống. Do đó, chúng ta phải đảm bảo không gian cho phụ nữ tham gia mọi công việc và chúng ta phải tăng tốc hơn nữa trong vấn đề này”.
Năm 1995, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4 về phụ nữ, với sự tham gia của các đại biểu đến từ hơn 180 quốc gia. Cương lĩnh là kết quả của những cuộc đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới qua hàng thập kỷ để đạt được bình đẳng, phát triển và hòa bình./.