(kontumtv.vn) – Sáng ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Y tế năm 2022. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc; lãnh đạo Sở Y tế và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Năm 2021, hệ thống y tế Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và được sự hỗ trợ của cả cộng đồng đã hoạt động vượt mức giới hạn, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Tính đến ngày 31/12/2021, Việt Nam có trên 1,7 triệu ca nhiễm Covid -19, gần 32.400 trường hợp tử vong do Covid-19. Đồng thời, đã tiêm được hơn 164 triệu liều vac xin, gồm cả 3 mũi. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý 1/2022. Tất cả các địa phương đều có phương án, kịch bản phòng, chống dịch gắn với khôi phục, phát triển KT-XH. Đồng thời, ngành còn tập trung phòng, chống tốt các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”. Theo đó, số ca mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường, giảm nguy cơ phải nhập viện. Tuy nhiên, năm qua, các hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; nhân lực y tế chưa phân bổ hợp lý giữa các vùng, các tuyến; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu ở cơ sở; hạ tầng, trang thiết bị y tế một số nơi thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn.

Năm 2022, một số chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao như 70% dân số được quản lý sức khỏe; tuổi thọ trung bình của người VN là 73,8 tuổi; 60% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2021-2030; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%;  94% trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả của ngành Y tế trong thời gian qua. Đặc biệt là những đóng góp của ngành trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022 nên ngành Y tế trước mắt cần tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, hoàn thành sớm tiêm vắc  xin; đề ra các giải pháp, công thức chống dịch phù hợp với thực tế. Đồng thời, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, Chính Phủ, Ban Bí thư; bình tĩnh, chủ động trong mọi hoàn cảnh khó khăn; ứng dụng KH-CN hiện đại; tăng cường tuyến y tế cơ sở giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế; phối hợp với các ngành đảm bảo an sinh xã hội./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *