(kontumtv.vn) – Sáng 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa; lãnh đạo UBND, HĐND; các sở, ngành trong tỉnh.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Trong năm, Chính phủ tiếp tục bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 6 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; kiên định, kiên trì triển khai thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn và toàn diện hơn các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Với mức tăng trưởng GDP hơn 7%, đây là năm thứ hai liên tiếp nước ta hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đáng chú ý, dù tăng trưởng GDP ở mức cao nhưng nền kinh tế vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng ở mức gần 2,8%, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp nước ta kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu. Xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp. Kết quả này giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới.

Dự kiến cả năm nay sẽ có khoảng 138.100 doanh nghiệp thành lập mới và 39.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, có tới hơn 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước hạn gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao, với 52 – 53% số xã đạt chuẩn. Hiện nay, cả nước có 4.665 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn; 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

2019 cũng là năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài và về cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị. Qua đó, đề nghị các bộ trưởng, cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực thảo luận, đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2020; nhất là tháo gỡ rào cản môi trường kinh doanh, sửa đổi bất cập cơ chế chính sách pháp luật như chỉ số tiếp cận kinh doanh, thương mại biên giới, bảo vệ nhà đầu tư; thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, kiểm soát nhũng nhiễu, tham nhũng vặt; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, đảm bảo công bằng xã hội, an ninh, quốc phòng. Năm cũ sắp qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương tập trung chăm lo đời sống và Tết cho nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả kinh tế – xã hội nước ta đạt được trong năm 2019, nhận định đây là những kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực và vượt hơn so với năm 2018, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước đã nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra 4 bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế – xã hội mà năm 2020 và những năm tiếp theo cần đẩy mạnh thực hiện đó là tiếp tục kế thừa, phát huy thành tựu 30 năm đổi mới và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các Bộ, ban, ngành, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; tranh thủ sự đồng tình, đồng thuận của Nhân dân, những ý kiến góp ý sâu sát của các chuyên gia, các lão thành cách mạng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội; chủ động, tích cực, năng động và sáng tạo hơn nữa để năm 2020 đạt thành tựu cao hơn năm 2019.

Qua đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề ra 5 nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng cần đẩy mạnh thực hiện trong năm 2020. Cụ thể, cần tiếp tục củng cố, tăng cường kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững hơn, thực chất hơn; tập trung phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, ngăn chặn lối sống suy thoái về đạo đức, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; tăng cường tiềm lực quốc phòng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh trước sự chống phá của thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao, đẩy mạnh đối ngoại đa phương; tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương; mỗi cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương cần thực hiện đúng chức trách, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn; phát huy dân chủ, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các cấp ủy, chính quyền và toàn thể hệ thống chính trị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp không phô trương, hình thức, lựa chọn người có đức, có tài tham gia vào bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Chiều 30/12, Hội nghị tiếp tục diễn ra với phần thảo luận, tham gia ý kiến về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hội nghị Chính phủ với địa phương tổ chức thường niên vào cuối năm là dịp để các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đánh giá, tổng kết thành tựu đạt được trong năm, trên cơ sở đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong phiên làm việc chiều, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, tập trung thảo luận, đi thẳng vào những vấn đề chính yếu, có tính liên ngành, liên vùng, tìm ra được giải pháp căn cơ, hiệu quả để phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2020.

Theo đó, trong phiên làm việc chiều, đại biểu đã thẳng thắn cho ý kiến, tham gia thảo luận về các vấn đề như dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của nước ta trên cơ sở đề ra các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ rõ động lực phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, từng địa phương để triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả. Để kinh tế phát triển bền vững, các đại biểu thống nhất ý kiến về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư công bằng cho các doanh nghiệp và quan trọng là siết chặt kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tham nhũng; đồng thời đẩy mạnh phát triển văn hóa, phát huy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm ở mỗi cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, thúc đẩy sáng tạo xã hội.

Sáng 31/12, Hội nghị tiếp tục diễn ra với phần thảo luận, tham gia ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị. Đài PT-TH Kon Tum sẽ tiếp tục phản ánh trong các bản tin sau.

Thu Trang – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *