(kontumtv.vn) – Sáng 4/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai dự và chủ trì Hội nghị.

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Hữu Tháp và các thành viên trong Ban Chỉ huy.

Năm 2020, tại Việt Nam, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt. Cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó, có 14 cơn bão; 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai đã làm gần 360 người chết và mất tích, khoảng 340 ngàn căn nhà bị sập, hư hại, tốc mái, trên 198 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 52 ngàn con gia súc và hơn 4 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại gần 40 ngàn tỷ đồng. Tại tỉnh Kon Tum, mưa lũ, hạn hán đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, sức khỏe, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng mức thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh ước hơn 650 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ghi nhận, biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng bộ đội, công an đã tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đồng bào, đồng chí đã hy sinh khi tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời cảm ơn các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam triển khai những giải pháp phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, các cơ quan trung ương tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng hiện có để củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ phù hợp với lĩnh vực của bộ, ngành, vùng, miền và từng địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động bố trí nguồn lực và ưu tiên vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để xóa bỏ những trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ ngành, địa phương; đồng thời đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng hạn mặn, ngập úng, điều chuyển mùa vụ phù hợp với diễn biến thiên tai. Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong triển khai các giải pháp ứng phó, phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thu Trang – A Lê Khăm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *