(kontumtv.vn) – Sáng 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành cả nước.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Y Mửi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kring Ba, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm và các sở, ngành liên quan.

Chính phủ đánh giá: Môi trường đất nước, không khí nước ta nhìn chung còn khá tốt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn về môi trường. Cả nước có trên 280 khu công nghiệp và 615 cụm công nghiệp. Trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đáng quan tâm loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu phổ biến trong cả nước. Việc xử lý chất thải, nước thải còn hạn chế. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tuy đóng góp lớn cho tăng trưởng của nước ta nhưng có chiều hướng đầu tư vào các ngành không thân thiện với môi trường. Hệ lụy đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Chính phủ đánh giá nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng môi trường bị ảnh hưởng là do biến đổi khí hậu, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Về nguyên nhân chủ quan, Chính phủ nhìn nhận: Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường.

Tại Hội nghị, Chính phủ đã đề ra 10 giải pháp cấp bách và 6 giải pháp dài hạn trong thời gian tới, với những nội dung trọng tâm như: Khẩn trương xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gắn với ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường. Trong phát triển, Chính phủ ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững. Chính phủ sớm bàn hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, gắn với thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường. Các cơ quan chức năng khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo hướng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Các cơ quan chuyên môn, các địa phương phải rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại; tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát về môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu UBMTTQVN, UBKHCN Quốc hội và các tỉnh, thành phố đề nghị Chính phủ sắp xếp bộ máy quản lý về môi trường tinh gọn, hiệu quả, tách bạch chức năng, tránh sự chồng chéo. Các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại, địa phương kinh tế khó khăn xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và có chính sách khôi phục vốn rừng ở Tây Nguyên. Các tỉnh phía Nam đề nghị Chính phủ có chính sách ứng phó với môi trường liên tỉnh, liên quốc gia như môi trường biển, sông; đề nghị Chính phủ đẩy mạnh xã hội hóa về môi trường. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ mức độ ô nhiễm hiện nay để có hướng khắc phục, xử lý; đề nghị Chính phủ, các địa phương không nên phát triển kinh tế bằng mọi giá dẫn đến hệ lụy lớn hơn về môi trường.

Phát biểu tại Hôi nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị quan tâm đến công nghệ tái chế, nên ưu tiên giảm thuế cho những doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất sạch và chủ động trong phòng chống nhiễm xạ trong sản xuất. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị xây dựng chi tiết bản đồ khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để có quy hoạch giải quyết tổng thể; đề nghị kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương  rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng công tác quản lý về môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm và lưu ý cần thực hiện cam kết quốc tế về môi trường.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý kiến góp ý, đề xuất thẳng thắn của các đại biểu; khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước; đề nghị các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành giải pháp đảm bảo về môi trường.Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tập trung sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm môi trường. Thủ tướng khẳng định bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình, xây dựng môi trường bền vững là gia tăng vị thế của Viẹt Nam với quốc tế. Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiện toàn hệ thống quy phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành thực thi pháp luật về môi trường, không được chủ quan, lơ là trong thực thi nhiệm vụ. Thủ tướng yêu cầu chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác về môi trường; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương cùng UBMTTQVN và các đoàn thể trong quản lý, xử lý về môi trường.

                                      Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *