(kontumtv.vn) – Sáng 19/12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện Chỉ thị 32 ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp; đại biểu Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở ngành, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, giai đoạn 2003- 2019 Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương đã từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, Đề án về PBGDPL và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Giai đoạn 2003-2007 cả nước có 100% cán bộ tư pháp cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL. Nhiều tài liệu PBGDPL đã được in và cấp phát miễn phí, được dịch ra tiếng dân tộc để phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cả nước có 12.314 “Nhóm nòng cốt” là thành viên các tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở khu dân cư. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã chọn 2.651 khu dân cư để xây dựng mô hình điểm về chấp hành pháp luật.

Đến năm 2012 cả nước có trên 15.900 cán bộ tư pháp thực hiện công tác PBGDPL, trong đó có 4.200 người có trình độ cử nhân luật và trên 7.000 người có trình độ trung cấp luật; có gần 5.700 báo cáo viên cấp tỉnh, gần 16.400 báo cáo viên cấp huyện và hơn 104.800 tuyên truyền viên cấp xã. Đến năm 2019 chương trình PBGDPL đã được cụ thể hóa thành Quyết định 705  ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý giúp công tác PBGDPL bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn đặt ra, giúp công tác PBGDPL đạt kết quả tốt hơn.

Trong 15 năm qua, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL; mang lại hiệu quả thiết thực như các hội thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật, tủ sách pháp luật, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, tổ hòa giải, diễn đàn đối thoại pháp luật…

Kết quả thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng giảm. Tính riêng năm 2017 số vụ việc vi phạm hành chính giảm 14,6%, số đối tượng bị xử phạt giảm khoảng 20%, so với năm 2016. Năm 2018  tổng số vụ việc vi phạm bị phát hiện giảm trên 21%  và số đối tượng bị xử phạt giảm khoảng 16% so với năm 2017.

Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.805 xã/11.147 đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỉ lệ 79%.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, qua đó giúp nhận thức của bộ máy chính quyền, đoàn thể và nhân dân được nâng cao. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần đánh giá, nhân rộng các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục có hiệu quả, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động nhân Ngày Pháp luật Việt Nam. Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương khắc phục tình trạng tuyên truyền hình thức, dàn trải, không có chiều sâu còn khoán trắng cho ngành tư pháp, nhất là tình trạng không bố trí kinh phí cho nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý trong thời gian đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục vẫn rất quan trọng, đây là cơ sở góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm như kiện toàn xây dựng bộ máy, nguồn lực phục vụ PBGDPL, đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật. Phó Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục trên mạng xã hội gắn với quản lý, kiểm soát tốt mạng xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ ngành tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị tại kỳ họp và có tham mưu cho Chính phủ có giải pháp khắc phục.

Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *