(kontumtv.vn) -“Tổ chức các cuộc họp hoành tráng nhưng giám sát không ai dám nói. Do đó đề nghị không nặng về số lượng mà nặng về chất lượng”.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây là một trong những dự án luật rất quan trọng, được Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Vì ngoài thể hiện rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương thì các quy định chặt chẽ, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc biệt là trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Không để hoạt động HĐND chỉ là hình thức

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho ý kiến về dự thảo Luật này tại phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: “Lập luận phải rõ việc gì, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức, biên chế, chuyên trách ra sao để luật này đúng là nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của HĐND”.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, không chỉ đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND mà phải đổi mới cả UBND. Vì Nghị quyết của HĐND hoành tráng nhưng nếu UBND và các thành viên UBND thực hiện không đầy đủ, thiếu trách nhiệm thì nghị quyết gì đi chăng nữa cũng khó triển khai.

“Đổi mới trước hết là trách nhiệm. Điều khoản ghi tư tưởng chung tôi nhất trí nhưng nó là cái gì, vì ngoài là thành viên UBND thì anh còn là công chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Rồi nguyên tắc báo cáo, tập trung dân chủ ở đây có chấp hành không? Để tránh sự tùy tiện khi thực thi nhiệm vụ và để bảo vệ uy tín của UBND, trách nhiệm của UBND cần phải ghi rõ hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương

Là Trưởng đoàn hai đoàn giám sát hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, về cơ cấu tổ chức của HĐND, đa số địa phương muốn số lượng đại biểu không cần phải tăng nhiều nhưng yêu cầu tăng chất lượng; tăng đại biểu của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể, nhà khoa học, chuyên gia, giảm cơ bản đại biểu nằm ở cơ quan hành chính Nhà nước.

“Tất cả các nơi đều nói rằng có đại biểu là lãnh đạo tỉnh, giám đốc sở, trưởng ngành hầu như hạn chế hoạt động HĐND mà chính mình làm tăng thêm phần hình thức. Vì tổ chức các cuộc họp hoành tráng nhưng giám sát không ai dám nói. Do đó các ý kiến đề nghị không nặng về số lượng mà nặng về chất lượng, tăng đại biểu dám nghĩ và dám nói”, bà Nguyễn Thị Nương cho biết.

Tăng đại biểu hoạt động chuyên trách

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã chỉnh lý lại quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp tỉnh ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu và ít nhất là 15% trên tổng số đại biểu HĐND cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, nhiều ý kiến ở địa phương muốn thường trực HĐND tăng về hoạt động chuyên trách và tăng thẩm quyền của thường trực. Ngoài ra, đa số ý kiến muốn trưởng ban Hội đồng là kiêm nhiệm, vì vị trí này hoạt động chuyên trách thì không thể bố trí được những người trong thường vụ, dẫn đến vị thế Hội đồng thụt lùi thêm bước nữa.

“Một số tỉnh đang thực hiện mô hình trưởng ban là thường vụ các ban Đảng kiêm nhiệm thì hiệu quả hoạt động tốt hơn là các trưởng ban chuyên trách. Vì các đồng chí thuộc thường vụ, mặc dù không trực tiếp làm nhưng khi ra quyết định và giám sát, làm việc với các ngành hiệu quả. Các ban không có đại diện thường vụ thì các ý kiến giám sát thường không được thực hiện tốt”, bà Nguyễn Thị Nương nói.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, các xã muốn có thêm một biên chế chuyên viên giúp việc cho HĐND vì “cơ quan quyền lực ở xã gì mà chỉ mỗi một người, từ cách thức tổ chức và cách làm việc không thể làm được là cơ quan quyền lực trong khi chức năng nhiệm vụ theo quy định là lớn”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị tăng đại biểu chuyên trách không kiêm nhiệm chính quyền như bên Đảng, Mặt trận, đoàn thể “vì nếu có nhiều đại diện bên chính quyền quá thì việc đi họp cũng rất khó khăn, thực hiện chức năng giám sát khó khăn”.

Ngoài ra, theo ông Ksor Phước, cần tăng số lượng đại biểu với tỉnh, quận, huyện có dân số quá đông: “Có quận dân số còn hơn một tỉnh mà ta khống chế bằng các nơi khác thì không hợp lý. Đại biểu lắng nghe ý kiến của cử tri mà cử tri đông như thế lắng nghe sao hết. Quan điểm của tôi là lấy tỷ lệ dân để xác định khung số lượng cho đại biểu”./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *