(kontumtv.vn) – Trong hợp tác Mekong – Nhật Bản, Việt Nam đã tham gia nhiều dự án, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 tại thủ đô Tokyo và thăm Nhật Bản từ ngày 8-10/10.

hop tac mekong - nhat ban song hanh voi doi tac chien luoc viet - nhat hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong bối cảnh năm 2018, Việt Nam-Nhật Bản kỷ niệm trọng thể 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, là năm Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản (2018-2021), chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự đóng góp của Việt nam vào các nỗ lực chung của khu vực; tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật bản lên một tầm cao mới.

Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mekong – Nhật Bản và 3 năm triển khai Chiến lược Tokyo 2015 với những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân…

10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả và có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề lớn của cơ chế hợp tác này. Việt Nam đã tham gia vào hơn 100 dự án hợp tác, trong đó có các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như cảng nước sâu Lạch Huyện, nhà ga số 2 sân bay Nội Bài, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Nghi Sơn 2… Trong hợp tác Mekong – Nhật Bản, Việt Nam đã tham gia nhiều dự án, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phu nhân và đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam sẽ thăm Nhật Bản.

Hiện nay, quan hệ giữa hai nước đang phát triển nhất trong lịch sử. Năm ngoái, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau. Hai nước cũng đã ký kết nhiều Hiệp định đối tác quan trọng; ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương và khu vực như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)…

45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu và là một thành công lớn trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Nếu như năm 2017, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt hơn 33,84 tỷ USD, thì chỉ tính riêng quý I/2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD. Năm 2017, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt kỷ lục 9,1 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 8/2018, Nhật Bản có hơn 3.860 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 55,8 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó có hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận tích cực đối với tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam.

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Năm 2018 là năm đặc biệt quan trọng, năm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Đại sứ Nhật bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhấn mạnh rằng “quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất; là mối quan hệ dựa trên sự tin cậy, gần gũi nhất”. Hai nước đều chia sẻ nhiều lợi ích mang tính chiến lược. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều thay đổi to lớn, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước ngày càng trở nên quan trọng và nhiều ý nghĩa.

Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp ấy, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 tại thủ đô Tokyo có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề mạnh mẽ hơn để hợp tác Nhật Bản – Mekong nói chung, Nhật Bản – Việt Nam nói riêng ngày càng phát triển; đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản. Chuyến thăm còn nhằm tăng cường quan hệ gần gũi và sự tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với Lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản./.

Vũ Dũng/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *