(kontumtv.vn) – Được sự tiếp sức của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Sáu Nhung, huyện Đăk Hà đã cơ bản hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận.

Để hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Sáu Nhung huyện Đăk Hà đã liên kết thu mua sản phẩm cà phê từ hai cơ sở đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGap đó là Tổ hợp tác Sản xuất Cà phê An toàn ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và Tổ hợp tác Cà phê Bền vững Đăk Mar xanh, huyện Đăk Hà. Đồng thời, Hợp tác xã Sáu Nhung đã đầu tư xây dựng quy trình sản xuất, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, tinh cà phê và các sản phẩm từ tinh cà phê đạt tiêu chuẩn Việt Nam 5603: 2008 HACCP về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận là cơ sở để Hợp tác xã Sáu Nhung nâng cao được chất lượng, giá trị và uy tín sản phẩm. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc hợp tác xã này cho biết: “Trong thời cuộc thực phẩm bẩn và thực phẩm dùng tăng trưởng hóa học hiện nay thì việc được cấp chứng nhận HACCP sản phẩm an toàn rất quan trọng đối với sản phẩm chúng tôi sản xuất ra, vì chứng nhận sản phẩm chúng tôi sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, như vậy chúng tôi rất thuận lợi trong việc bán hàng, xúc tiến thương mại và đưa sản phẩm vào thị trường khó tính”.

Sản phẩm cà phê an toàn
Sản phẩm cà phê an toàn

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có rất ít vùng sản xuất và cơ sở chế biến cà phê được công nhận đạt chuẩn về sản phẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê cũng rất hạn chế. Vì vậy, giá trị sản phẩm cà phê của tỉnh Kon Tum chưa cao, tính cạnh tranh sản phẩm cà phê thấp. Việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận là hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm. Bà Vũ Thị Bình Minh, Phó  Phòng Quản lý chất lượng Chi cục Quản lý Nông Lâm sản và Thủy Sản tỉnh Kon Tum nói: “Sản phẩm muốn được vươn cao, vươn xa phải có chứng nhận, Chi cục có hỗ trợ cho các tổ hợp tác liên kết với HTX Sáu Nhung sản xuất, chế biến cà phê. Đối với vùng trồng thì có hỗ trợ chứng nhận VietGap, đối với cơ sở chế biến có hỗ trợ một số trang thiết bị máy móc và định hướng người ta phát triển theo HACCP. Đến nay thì sau quá trình thực hiện đã được cấp chứng nhận HACCP đối với cơ sở chế biến”.

Sản xuất cà phê theo mô hình VietGap là sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và đáp ứng đầy đủ các quy trình về thời gian, ghi chép nhật ký cũng như nguồn gốc các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Với các thành viên Tổ hợp tác Cà phê Bền vững Đăk Mar xanh ở huyện Đăk Hà, việc áp dụng sản xuất theo mô hình VietGap gắn với tham gia chuỗi liên kết giá trị cùng Hợp tác xã Sáu Nhung là điều kiện quan trọng giúp các thành viên nâng cao thu nhập, đảm bảo sức khỏe và ổn định đầu ra sản phẩm của vườn cà phê trên 40 ha. Ông Phạm Xuân Bé, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cà phê Bền vững Đăk Mar xanh cho biết: “Tham gia VietGap thì tiêu chuẩn bán ra đã có nơi tiêu thụ cho mình, an toàn hơn, giá tốt hơn”.

Tính đến đầu năm 2020, tỉnh Kon Tum có hơn 21.600 ha cà phê và có hàng trăm cơ sở chế biến, cung ứng sản phẩm cà phê từ quy mô gia đình đến tổ hợp tác và công ty. Mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Sáu Nhung huyện Đăk Hà là hướng đi có thể nhân rộng để nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu cà phê Kon Tum, giúp người trồng cà phê và các cơ sở chế biến nâng cao thu nhập, nâng cao thương hiệu sản phẩm.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *