(kontumtv.vn) – Kết thúc năm 2017, tuy còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa bão và thực hiện các chính sách thắt chặt chi tiêu công, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế – xã hội của huyện vùng sâu, vùng xa Đăk Glei (Kon Tum) tiếp tục có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều thay đổi, đời sống của người dân dần được cải thiện.

Là một trong những hộ nghèo đầu tiên được hỗ trợ giống, phân bón để thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh từ năm 2014, đến nay, vườn cà phê của gia đình ông A Nhác (thôn Đông Nay, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) đã cho thu hoạch được 2 năm. Nhờ phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết nơi đây nên vườn cà phê phát triển rất tốt. Đặc biệt, năng suất năm nay đã tăng lên đáng kể so với năm thu hoạch đầu tiên. Ông A Nhác phấn khởi: “Ở đây bây giờ bà con  trồng  một cây thu hoạch được 4 – 6 kg. Cây cà phê xứ lạnh phù hợp ở đây, trồng chăm sóc dễ hơn. Đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con các hộ nghèo giống này nữa để bà con phát triển, tăng thu nhập”.

Qua 4 năm thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh, đến nay, huyện Đăk Glei đã có hơn 1.200 hộ nghèo tham gia, với tổng diện tích trên 345 ha, tại 6 xã phía Bắc của huyện. Trong năm 2017, đã có gần 600 hộ trồng trong 2 năm 2014, 2015 đã được thu hoạch, góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho các hộ nghèo. Đặc biệt, Đề án đã có sức lan tỏa đến các hộ dân trong vùng, thúc đẩy phát triển diện tích cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn. Bà Đinh Thị Y Ngọc, Phó  Phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cho biết: “Sau 4 năm thực hiện Đề án, nhất là ở các xã phía Bắc, đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nó thể hiện rõ nét nhất là Đề án đã đi vào đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng sản xuất tập trung. Số hộ dân được tham gia học hỏi, nắm bắt thêm kiến thức kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Các mô hình sản xuất cây cà phê được làn rộng đến hộ cận nghèo, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ trên địa bàn”.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển, chăm sóc tốt diện tích cây cà phê xứ lạnh, trong năm 2017, huyện Đăk Glei đã xây dựng Đề án phát triển các loại cây dược liệu; vận động nhân dân chuyển đổi, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng trong huyện. Qua đó, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi và thực hiện có hiệu quả, như các mô hình trồng cây bời lời, các loại rau, hoa, chăn nuôi bò, dê theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Ông Nghiêm Minh Hiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei nói: “Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thị trấn thường xuyên xuống cơ sở, chỉ đạo cho các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và một số ban, ngành của thị trấn tích cực xuống cơ sở nắm bắt tình hình của địa bàn và đồng thời cầm tay, chỉ việc cho bà con. Cho nên kết quả đạt được đáng khích lệ. Đặc biệt là một số hộ gia đình đã có nhiều cố gắng vươn lên làm giàu chính đáng như xây dựng vườn VAC, dự án trồng rau, trồng hoa, rồi dự án bò lai”.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho  nhân dân, trong năm qua, việc triển khai các Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng cơ bản, thu ngân sách trên địa bàn đã được các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện Đăk Glei quan tâm chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt. Đặc biệt là Chương trình Xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn được bà con tích cực hưởng ứng.

Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong huyện, qua một năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đến nay nhiều chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất theo giá cố định 2010 được trên 1.570 tỷ đồng, đạt 99% so với kế hoạch; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đến cuối năm được trên 20 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,8% so với năm trước. Thu nhập, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, bộ mặt nông thôn đổi mới, nhất là hệ thống đường giao thông đã được đầu tư kiên cố hóa, mang lại niềm vui lớn cho người dân, tạo động lực để người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Quang Mẫn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *