(kontumtv.vn) – Do hạn hán, đến thời điểm này, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã có hàng trăm ha cây trồng bị khô hạn và có khả năng khô hạn, hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các doanh nghiệp và người dân đã vào cuộc,  tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Đã gần hai tuần nay, gia đình anh A Đen ( thôn 10, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt. Trước đây, 4- 5 hộ gần nhà chung nhau một giếng nước, lúc giếng cạn chẳng hộ nào có nước dùng. Giờ nhà anh đã tự đào giếng để lấy nước sử dụng. Anh A Đen nói: “ Bốn hộ dùng một giếng thì không đủ xài,  con cháu tắm rửa cũng thiếu. Tôi cố gắng đào giếng để gia đình có đủ nước sinh hoạt. Bà con có thiếu nước thì đến đây lấy nước để sử dụng. Bây giờ nước xài thì thoải mái”.

Kiểm tra giếng nước sinh hoạt
Kiểm tra giếng nước sinh hoạt

Là Phó trưởng thôn, vừa là Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân, A Đen nhiệt tình vận động bà con làm theo mình để có nước sinh hoạt. Xã Đăk La có 65 hộ dân thiếu nước đã đào giếng ở những điểm thuận tiện để đảm bảo nước sinh hoạt. Xã hỗ trợ kinh phí khoan 4 giếng nước và lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ DTTS. Xã còn chủ động khắc phục khô hạn hơn 110 ha lúa bằng nhiều biện pháp. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết: “ Năm nay đã đến đầu tháng 4 vẫn chưa có mưa, các sông suối trên địa bàn đều cạn kiệt. Qua đánh giá, kiểm tra, rà soát, cả xã có trên  60 ha diện tích mất trắng 100%. Xã đã chủ động chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích khô hạn, rồi khắc phục như đào giếng nước. Tại thôn 10 chúng tôi đã vận động nhân dân, bà con cũng tự ý thức đào giếng lấy nước phục vụ cho gia đình”.

Xác định khả năng xảy ra khô hạn cao trong mùa khô năm nay, nên ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Cà phê 731 đã xây dựng phương án chống hạn cho từng vùng trồng cà phê, lúa nước và chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho từng đội sản xuất, từng hộ nhận khoán. Nhờ vậy, đến thời điểm này, mặc dù gặp khó khăn về nước tưới, nhưng diện tích sản xuất của Công ty vẫn cơ bản đảm bảo đủ nước. Hầu hết công nhân, người lao động trong đơn vị đều tự giác chấp hành lịch tưới luân phiên, không xảy ra tình trạng tranh giành nước tưới.

Đến nay, huyện Đăk Hà có trên 940 ha các loại cây trồng bị khô hạn và có khả năng khô hạn, trong đó gần 330 ha lúa nước và cây màu, 620 ha cà phê; có 2.300 hộ dân và 1.375 học sinh tại 4 trường học thiếu nước sinh hoạt. Trước tình trạng này, huyện đã triển khai các giải pháp chống hạn, ưu tiên đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho các hộ dân. Riêng với diện tích lúa nước bị thiệt hại từ 50-70%  sẽ không khắc phục, chỉ khắc phục diện tích lúa có điều kiện về nước và tập trung nguồn nước tưới cho cây cà phê. Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: “Đối với giếng nước thì vận động nhân dân nạo vét và đào mới, nhân dân cùng chia sẻ, dùng chung giếng nước. Còn về nước tưới phục vụ sản xuất, đối với những diện tích bị thiệt hại thì 70% thì không dùng các biện pháp để tưới bổ sung nữa, vì cũng không có nguồn nước, chỉ ưu tiên cho các diện tích cây cà phê. Những diện tích có nguốn nước thì vận động nhân dân tự khơi dòng, bơm bổ sung để phục vụ cho các diện tích lúa”.

Với những giải pháp huyện Đăk Hà đã và đang triển khai để tập trung chống hạn, hy vọng rằng sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn.

CTV Thu Hương – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *